Mọi việc xẩy ra đều có nguyên nhân. Nguyên nhân thường là các biến cố hoặc do sáng kiến. Sự hiện diện của TNTT cũng không ngoại lệ. TNTT đã có khởi đầu từ những biến cố: - Năm 1865, cha Léonard Cross và cha Ramière qui tụ các thiếu nhi Pháp trong hội cầu nguyện, chống lại chủ trương tục hóa trong xã hội Pháp,... - Hưởng ứng Sắc lệnh Quam Singulari của Đức Giáo hoàng Pio X ban hành năm 1910 nhằm khuyên khích lòng tôn sùng Thánh Thể và cho phép các thiếu nhi được rước lễ sớm hơn (7 tuổi). Năm 1917, cha Albert Bessière, thuộc dòng Tên đã thành lập Hội Nghĩa binh Thánh thể...
Mọi việc xẩy ra đều có nguyên nhân. Nguyên nhân thường là các biến cố hoặc do sáng kiến. Sự hiện diện của TNTT cũng không ngoại lệ. TNTT đã có khởi đầu từ những biến cố:
- Năm 1865, cha Léonard Cross và cha Ramièrequi tụ các thiếu nhi Pháp trong hội cầu nguyện, chống lại chủ trương tục hóa trong xã hội Pháp, đang ảnh hưởng đến các trường học Công giáo nhất là thanh thiếu niên lúc bấy giờ. Hội được gọi là Đạo quân của Đức Giáo Hoàng, lấy tinh thần đạo binh Thánh giá, thay vì bảo vệ đất thánh thì bảo vệ tâm hồn các em.
- Hưởng ứng Sắc lệnh Quam Singularicủa Đức Giáo hoàng Pio X ban hành năm 1910 nhằm khuyên khích lòng tôn sùng Thánh Thể và cho phép các thiếu nhi được rước lễ sớm hơn(7 tuổi). Năm 1917, cha Albert Bessière, thuộc dòng Tên đã thành lậpHội Nghĩa binh Thánh Thể (quân của Chúa Giêsu Thánh Thể)với tôn chỉ là cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và làm tông đồ. Phong trào phát triển lớn mạnh trên khắp nước Pháp và các nước âu châu.
- Thấy hiệu quả tốt đẹp của phong trào Nghĩa binh Thánh Thể, hai cha dòng Xuân bích là Léon Palliard và Paul Uzureau đã đem vào Việt Nam: Đoàn Nghĩa binh Thánh Thể đầu tiên được thành lập tạiHà Nội năm 1929, rồi tiếp tục đến Huế, Saigon, Phát Diệm, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Qui Nhơn, Thái Bình, Bùi Chu, Mỹ Tho, Xuân Lộc, Phú Cường và phát triển rộng rãi tại hầu hết các Giáo phận. Quả thật, trong vòng 25 năm (1929–1954) Nghĩa binh Thánh Thể đã chứng minh được hiệu quả giáo dục thiếu nhi.
- Năm 1954 do biến cố chia đôi đất nước, Nghĩa binh Thánh Thể tại các giáo phận miền Bắc tạm ngưng hoạt động. Bù lại Nghĩa Binh Thánh Thể lại phát triển nhanh và mạnh mẽ tại các Giáo phận miền Nam
- Năm 1957 Nghĩa binh Thánh Thể có tổ chức qui mô, được Hội đồng Giám Mục Việt nam chính thức công nhận và bổ nhiệm cha Micael Nguyễn Khắc Ngữ làm Tổng Tuyên úy đầu tiên.
- Năm 1965, Hội đồng Giám mục Việt nam đổi danh xưng Nghĩa binh Thánh Thể thành Phong Trào Thiếu nhi Thánh Thể với vị Tổng Tuyên úy là Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Thảnh.
- Trong 10 năm, từ năm 1965 đến 1975, Phong trào TNTT vừa phát triển vừa hoàn thiện về tổ chức cũng như về huấn luyện và đào tạo. Để đánh dầu bước trưởng thành của phong trào, Đại hội Huynh Trưởng toàn quốc VỀ ĐẤT HỨA I được tổ chức tại Bình Triệu -Sàigòn, qui tụ hơn 2000 huynh trưởng trong tổng số gần 4000 huynh trưởng thuộc 14 giáo phận phía nam.
- Năm 1975, phần lớn các đoàn TNTT tạm ngưng những hoạt động bên ngoài và được chuyển thành các lớp Giáo lý.
- Năm 1998, khi Đức Tổng Giám mục Giáo phận Tp Hồ Chí Minh chính thức thành lập Ban Mục Vụ Thiếu Nhi, Thiếu Nhi Thánh Thể cũng nhen nhúm trở lại.
- Năm 2002 cha Trưởng ban Mục Vụ Thiếu Nhi, Giuse Phạm Đức Tuấn mời gọi các tuyên úy và huynh trưởng TNTT đã hoạt động trước năm 1975 ngồi lại để năm 2003 chính thức tái lập TNTT tại Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
- Ngày 24 tháng 5 năm 2005, trong Bản Chỉ Dẫn Về Các Sinh Hoạt của Giới Thiếu Nhi Công Giáo, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Giáo phận Tp Hồ Chí Minh ghi nhận: “…nhằm đạt kết quả tối đa trong việc giáo dục Thiêu nhi, hai phương pháp được áp dụng là Phương Pháp Tự Nhiên và Phương Pháp Siêu Nhiên của Phong trào Thiếu nhi Thánh thể”. Từ đó PT /TNTT bắt đầu nở rộ trên toàn Giáo phận. Tính đến tháng 12 năm 2006, đã có hơn 50% các giáo xứ trong giáo phận đã tái lập TNTT với gần 3000 huynh trưởng cấp I; hơn 300 huynh trưởng cấp II; 100 huynh trưởng cấp III và 30 huynh trưởng huấn luyện viên.
- Từ năm 2005 Liên đoàn Giáo Phận Thành phố Hồ Chí Minh đã cử các huấn luyện viên đến tận nơi để hỗ trợ việc huấn luyện Huynh trưởng TNTT cho các Giáo phận Mỹ Tho, Nha Trang, Huế và Hải Phòng... Một số giáo phận như Nha Trang, Ban Mê Thuột, Cần Thơ, Xuân Lộc ,... đã gửi người về tham dự các sa mạc huấn luyện của Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
Dù trải qua nhiều thời kỳ thay đổi về danh xưng, phương pháp; trải qua nhiều biến cố thăng trầm, Thiếu Nhi Thánh Thể vẫn là một đoàn thể đạo đức chuyên biệt dành cho trẻ em, nhằm mục đích gần là dạy các em yêu mến và sống kết hợp với Chúa Giêsu Thánh thể, bằng cách tập cho các em siêng năng rước lễ, sống cầu nguyện, hy sinh và làm tông đồ cho các bạn hữu, cùng môi trường sống, mục đích sau này trở thành người kitô hữu biết cách làm tông đồ và góp phần xây dựng xã hội trần thế.
Thiếu nhi Thánh Thể lãnh trách nhiệm giáo dục thiếu nhi về 2 phương diện siêu nhiên và tự nhiên: về đời sống đức tin để các em trở thành người Kitô hữu hoàn hảo; về nhân bản để các em trở thành những con người kiện toàn về tinh thần và thể chất giúp các em sống tích cực, tự nguyện, ý thức và dấn thân trong việc đem Chúa đến cho môi trường sống.
Giáo dục thiếu nhi là vấn đề phức tạp và dài hơi. Phức tạp, vì thiếu nhi là lứa tuổi đang phát triển đang thành người. Cả tâm lý và thể lý của các em luôn thay đổi, tuy theo một định luật phát triển chung, nhưng mỗi em vẫn là một thế giới riêng, có môi trường và hoàn cảnh sống riêng. Việc giáo dục các em không những cần hiểu biết, nắm vững qui luật phát triển chung mà còn đòi hỏi phải gần gũi theo dõi sự phát triển bên trong và bên ngoài của từng em, đồng thời phải hiểu môi trường văn hóa, hoàn cảnh gia đình các em đang sống và lớn lên, từ đó mới mong đạt hiệu quả. Dài hơi vì Phong trào TNTT đảm trách việc giáo dục các em từ 6 tới 18 tuổi. Mười hai năm này rất quan trọng cho việc hình thành nhân cách của các em. Giáo dục không phải là nắn các em theo ý người lớn, nhưng là giúp các em khám phá và phát triển tiềm năng, là hướng thượng các khuynh hướng tự nhiên, là giúp từng bước định hình nhân cách của các em hầu tiến đến trưởng thành cách an toàn.
Để hoàn thành nhiệm vụ lớn lao và nặng nề đó, Phong trào TNTT song song với việc kiện toàn tổ chức, đã nghiên cứu và đưa ra một chương trình huấn luyện tiệm tiến: lấy Lời Chúa và Thánh Thể làm nền tảng, làm khung cảnh, sự sống và bầu khí cho mọi sinh hoạt. Chương trình tiệm tiến gồm bốn phần chính: Giáo Lý–Nhân Bản–Phong Trào TNTT–Kỹ năng chuyên môn, được soạn từ dễ đến khó; từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp áp dụng phù hợp với khả năng tiếp thu và nhận thức của từng lứa tuổi.
Trong việc giáo dục thiếu nhi, việc dạy và học giáo lý là chủ yếu. Phong trào không chỉ dạy và dừng ở chỗ cho các em biết giáo lý, nhưng thông qua chương trình giáo lý, sẽ giúp các em từng bước tìm gặp Chúa trong mối tương quan biệt vị, để trong đời sống các em cảm nhận ngày càng sâu sắc sự hiện diện của Chúa, giúp các em nhận ra và đón nhận ý Chúa trong cuộc sống, qua các biến cố cuộc đời, đang khi sống trong một xã hội tục hóa, một thế giới ngày càng thờ ơ hoặc chối bỏ Thiên Chúa, gạt Thiên Chúa ra khỏi đời sống của mình dưới nhiều hình thức và lãnh đạm với tôn giáo.
Để giúp các em dễ dàng tiếp thu giáo lý, Phong trào TNTT chủ trương tạo cho các em một bầu khí mới, lành mạnh, phấn khởi, thích nghi và cởi mở để các em“vui mà học, học mà vui”
Song song với việc chuẩn bị và giúp các em tập sự, tìm kiếm, gặp gỡ Chúa ngang qua việc học giáo lý và sống đạo, Phong trào còn dạy các em về Nhân Bản để các em sống tốt mối tương quan với chính mình, với tha nhân và với cộng đồng.
TNTT là một phong trào Công giáo tiến hành, có đường lối, phương pháp giáo dục riêng nhằm tập cho các em bây giờ làm tông đồ cho các bạn hữu, và sau này làm tông đồ trong môi trường lớn hơn và phức tạp hơn. Ngày nay nhiều người trưởng thành, sau khi được giáo dục theo phương pháp TNTT đang tham gia các công tác tông đồ trong các hội đoàn, các Hội đồng mục vụ giáo xứ và các công tác xã hội cách có hiệu quả nhờ áp dụng các giá trị Thiếu nhi Thánh thể mà họ đãlãnh hội từ thời niên thiếu.
Môi trường giáo dục và sinh hoạt chính của TNTT là giáo xứ. Về phương pháp tổ chức, TNTT là đoàn thể lựa chọn, nhưng về nhiệm vụ giáo dục, TNTT lãnh trách nhiệm giáo dục tất cả các thiếu nhi trong giáo xứ, tuyển lựa nhưng không loại trừ vì tuyển lựa để áp dụng cho đúng phương cách giáo dục với từng đối tượng. Tại Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, một đoàn TNTT trung bình có khoảng từ 300 đến 500 đoàn sinh các ngành ấu, Thiếu, Nghĩa, Hiệp sĩ. Để tổ chức và giáo dục các em hữu hiệu, Phong trào áp dụng hệ thống tổ chức và điều hành từ giáo xứ lên giáo hạt, giáo phận và toàn quốc. Tại mỗi giáo xứ, đơn vị tổ chức căn bản là ĐộI gồm từ 8 đến 12 em, dưới sự dẫn dắt của một em nhanh nhẹn, tháo vát, có uy tín và trổi vượt về khả năng chỉ huy. Từ 3 đến 5 đội cùng ngành, cùng phái hợp lại thành Chi đoàn dưới sự chỉ huy của ít nhất một huynh trưởng cấp I, là người đã được huấn luyện kỹ lưỡng và phải từ 18 tuổi trở lên.
Các Chi đoàn nam và nữ cùng ngành hợp lại thành Phân đoàn (ấu, Thiếu, Nghĩa, Hiệp sĩ) có ít nhất một hoặc hai Huynh trưởng cấp II chỉ huy. Các Phân đoàn trong cùng một xứ hợp lại thành Đoàn hoặc còn gọi là Xứ đoàn, có một Ban Quản Trị gồm Đoàn trưởng, đoàn phó, thư ký, thủ quỹ trực tiếp điều hành dưới sự coi sóc của cha Tuyên úy (Cha Phó hoặc chính cha sở).
Các ĐOÀN trong Hạt hợp lại thành HIỆP ĐOÀN, có Ban Quản Trị Hiệp đoàn gồm Hiệp đoàn trưởng, một hoặc hai Hiệp đoàn phó, Thư ký, Thủ quỹ dưới sự lãnh đạo của Cha Tuyên úy Hiệp Đoàn, thường do các cha trong hạt chỉ định.
Các HIỆP ĐOÀN trong Giáo phận hợp lại thành LIêN ĐOàN TNTT giáo phận có Ban Chấp Hành Liên đoàn gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch Quản trị, Phó chủ tịch Nghiên huấn, thư ký, thủ quỹ và các ủy viên chuyên môn (tùy nhu cầu) trực tiếp điều hành liên đoàn dưới sự lãnh đạo của Cha Tuyên úy do Đức Giám Mục Địa phận bổ nhiệm.
Các Liên đoàn trên toàn quốc hợp lại thành TỔNG LIÊN ĐOÀN TNTT VIỆT NAM có Ban Chấp Hành tổng Liên Đoàn trực tiếp điều hành dưới sự lãnh đạo của Cha Tổng Tuyên úy do Hội đồng Giám Mục Việt Nam bổ nhiệm.
Với số đoàn sinh đông đảo, hệ thống tổ chức quy mô như vậy, những huynh trưởng giữ của Phong trào cần được huấn luyện kỹ lưỡng để có thể hoàn thành trách nhiệm. Vì vậy, Phong Trào từ cấp Giáo phận và cấp toàn quốc có một ban chuyên môn nghiên cứu và huấn luyên, gọi tắt là BAN NGHIÊN HUẤN. Phong trào TNTT có nhiều cấp huấn luyện:
- Các đoàn tại mỗi giáo xứ tự tổ chức huấn luyện thường kỳ nhằm ôn tập và học thêm những điều cần thiết của đoàn.
- Các Hiệp đoàn (hạt) tổ chức huấn luyện trưởng cấp I cho các đoàn trong hạt của mình. Trong trường hợp Hiệp đoàn không đủ nhân sự, có thể nhờ Liên đoàn (giáo phận) yểm trợ.
- Liên đoàn tổ chức huấn luyện cấp II cho các Hiệp đoàn. Khi không đủ nhân sự, có thể nhờ Tổng liên đoàn yểm trợ.
- Tổng liên đoàn tổ chức huấn luyện huynh trưởng cấp III và Đặc Cấp cho các giáo phận. Tổng liên đoàn cũng có thể ủy quyền cho các Liên Đoàn tổ chức huấn luyện huynh trưởng cấp III cho những Liên đoàn có yêu cầu và có khả năng.
Phương pháp huấn luyện huynh trưởng của Phong trào TNTT là “VÀO SA MẠC”. Xưa kia dân Chúa, để tiến vào đất hứa họ đã bỏ lại sau lưng tất cả, được thanh luyện khi băng qua sa mạc. Trong sa mạc họ đã gặp Chúa, được Chúa từng bước dạy dỗ, uốn nắn bằng lời dạy và bằng những biến cố thăng trầm, để rồi họ nhận ra Chúa yêu thương, chổ che luôn ở với họ, nhận Chúa là Chúa của mình, sống theo các giới răn của Người, trở thành dân của Người. Ngày nay Phong trào TNTT đưa các huynh trưởng vào sa mạc, tạm quên đi những bận tâm, lo lắng thường nhật, sống trong điều kiện có thể là thiếu thốn, chung đụng, chịu đựng lẫn nhau, cùng nhau học tập, quây quần quanh Chúa Giêsu Thánh thể nơi nhà tạm, gặp Chúa để đối chiếu lại chính mình trước mặt Chúa trong giờ sám hối, giao hòa với Chúa, với anh em qua bí tích hòa giải, nghe tiếng Chúa, thờ lạy Chúa trong giờ Thánh Thể; để hâm nóng tình huynh đệ và cùng vui bên nhau trong đêm lửa thiêng Thánh Thể; Để khi chia tay trở về giáo xứ, họ được trang bị thêm khả năng và hân hoan với lý tưởng dấn thân, phục vụ.
Thành lập đoàn TNTT là việc khó nhưng nuôi dưỡng đoàn lại là việc khó hơn. Để duy trì và phát triển đoàn TNTT, cần có những sinh hoạt thường xuyên. Hiện nay Phong trào TNTT tại GP.TPHCM sử dụng các phương pháp từ hai phương diện căn bản là Phương diện siêu nhiên và tự nhiên.
Phương diện siêu nhiên gồm:
- GIỜ THÁNH THỂ: Chầu Chúa, gặp gỡ Chúa trong T.Thể
- SỐNG NGÀY THÁNH THỂ: Phong trào cổ vũ và tập cho các em sống mầu nhiệm tận hiến của Chúa Giêsu trong mọi chi tiết của đời sống, để mỗi ngày sống trở thành Ngày Thánh Thể qua việc dâng ngày, dâng lễ, rước lễ, viếng Chúa, hy sinh, làm việc tông đồ, lần chuỗi mân côi…
- BÓ HOA THIÊNG: là cách giúp các em kiểm điểm đời sống mỗi tối không chỉ xét tội để ăn năn xin Chúa tha thứ, mà còn xét những việc tốt đã làm được trong ngày để cảm tạ Chúa nhờ đó cố gắng sống và làm việc tốt hơn.
- HỌC GIÁO LÝ: Giáo lý được dạy cho đoàn sinh trong các buổi họp. Hiện nay Ban Mục Vụ Thiếu Nhi đã có giáo trình giáo lý 12 năm gồm Giáo Lý, Nhân Bản, Phong Trào, và kỹ năng, được chia theo từng tuần ứng với các buổi họp của đoàn.
- THÁNH KINH: Lời Chúa là nền tảng của Phong trào. Đoàn sinh được dạy để hiểu biết, suy niệm, sống và chia sẻ Lời Chúa. Đồng thời dùng các bài ca, băng reo, trò chơi mang giá trị Thánh Kinh trong sinh hoạt và dùng tên các thánh, các nhân vật Thánh kinh đặt cho các đơn vị nhằm giúp các em làm quen và sống trong bầu khí Thánh kinh, bảo vệ các em khỏi những quyến rũ và bầu khí thế tục của môi trường xung quanh.
Phương diện tự nhiên gồm:
- PHƯƠNG PHÁP HÀNG ĐỘI: Chia các em thành từng nhóm do một em làm Đội trưởng chỉ huy, dưới sự giám sát, hướng dẫn của huynh trưởng. Không nhắm mục đích “chia để trị”, nhưng nhắm mục đích giáo dục: có thể đến với từng em. Để các em biết làm việc chung, điều rất cần cho các em sau này khi lớn lên. Để các em tập lãnh trách nhiệm, tự đào luyện và giáo dục nhau
- HỘI HỌP: Hai hình thức hội họp quan trọng nhất là Họp đội và Họp chi đoàn.
Hội họp nhằm hai mục đích: để học theo chương trình Thăng tiến và để tổ chức, củng cố, duy trì, phát triển đơn vị.
- SINH HOẠT VUI: Với Thiếu nhi cần vui để học. Dạy bài học bằng cách lồng vào các trò chơi, bài hát, băng reo. Dùng các sinh hoạt vui vừa để các em thư giãn vừa để củng cố bài học.
- PHƯƠNG PHÁP TIỆM TIẾN: Dạy từng bước, tùy theo tâm lý của từng lứa tuổi, được lập lại nhiều lần, mỗi lần thêm chi tiết phong phú hơn để nâng cao dần nhận thức của các em. Đây là lý do Phong trào vạch ra Chương Trình Thăng Tiến, áp dụng cho các ngành ấu, Thiếu, Nghĩa, Hiệp sĩ.
- VÀO SA MẠC: Với các đoàn sinh thì đơn giản hơn và nhắm mục đích giáo dục qua các sinh hoạt ngoài trời với các kỹ năng như lều trại, nút dây, truyền tin, … các kỹ năng này, tự nó không giúp nhiều cho cuộc sống hiện tại, nhưng hiệu quả giáo dục rất tốt, nó giúp kích thích, khơi dậy tiềm năng và phát triển năng khiếu (khéo tay, hoạt bát, lanh lợi, chịu đựng dẻo dai…)
Hơn ba phần tư thế kỷ hiện diện và hoạt động, TNTT Việt nam đã đem lại nhiều thành quả đáng khích lệ cho giới thiếu nhi, cho Giáo Hội, nhưng cũng không ít gian nan trắc trở. Trắc trở từ những khó khăn bên ngoài và từ những tiêu cực bên trong. Biến cố 1954 đã khiến TNTT miền Bắc ngưng hoạt động gần 50 năm, nhưng bù lại, TNTT miền nam lại phát triển mạnh và qui mô tổ chức TNTT Việt nam như đang có hiện nay đã được hình thành tại miền nam trong thời gian này. Biến cố 1975 khiến cho nhiều người tưởng TNTT Việt nam đã vĩnh viễn không còn, nhưng bù lại TNTT lại được lan trải và phát triển mạnh mẽ tại các nước Âu châu, Mỹ châu và Úc châu. Ngày nay, TNTT đã và đang phát triển tại các giáo phận trên toàn quốc, tiếp tục sứ mệnh giáo dục thiếu nhi, góp phần vào việc tông đồ của Giáo hội, và chắc chắn sẽ cộng tác tích cực với mọi người, không phân biệt lương giáo, ý thức hệ để góp phần xây dựng xã hội. Những biến cố xem ra là thất bại, là mất mát, là trắng tay đó phải chăng lại là “duyên cớ” Chúa dùng để phát triển Phong trào?
Dân Chúa xưa được thành lập do ý định của Chúa, khởi đi từ ơn gọi của Abraham. Giáo hội cũng được Chúa Giêsu thành lập khởi đi từ việc Chúa trao quyền cho Phêrô. Nhưng lịch sử cứu độ đã cho thấy cả dân cũ lẫn dân mới luôn phải chịu những thử thách, cả bách hại. Nhưng dân Chúa vẫn về đến đất hứa, Giáo hội vẫn tồn tại cho đến tận thế. Thiên Chúa có thể biến đổi sự dữ thành sự lành hay nói như thánh Phaolô: “Mọi sự đều sinh ích cho những ai có lòng yêu mến Chúa”.
Có ai nói chắc được rằng TNTT từ nay sẽ không còn những bước thăng trầm? Nhưng nếu nhìn TNTT như một công cụ trong tay Chúa, như một hồng ân Chúa ban cho giới trẻ Việt nam, thì đây là việc của Chúa, Chúa sẽ làm việc theo cách của Người chứ không phải theo cách chúng ta. Chúng ta cứ làm những việc phải làm của những đầy tớ vô dụng (Lc. 15,7), bởi vì “Chúa sẽ xây nhà cho Đavid chứ không phải Đavid xây nhà cho Chúa”.
0 nhận xét:
Hướng Dẫn Comment