ĐẮC NHÂN TÂM
KHẢ NĂNG NGÔN NGỮ
KHẢ NĂNG NGÔN NGỮ
Đời sống thường ngày, ngôn ngữ có khả năng rất phi thường.
- Nhờ lời nói, người ta có thể vui thích, thông cảm và yêu mến nhau nhiều hơn, cũng có thể vì một lời nói, làm cho người ta đau khổ, căm ghét, hận thù, sát nhân.
- Có khi chỉ nhờ một câu nói bình thường mà khích lệ tinh thần và hoài bão làm việc của người khác, hay cũng chỉ vì một câu nói quá công thức hay vô trách nhiệm mà khiến tinh thần người khác chán nản, mất khí thế, bỏ cuộc.
- Ngôn ngữ còn ý nghĩa mang xã hội tính: Khi một người được thăng chức, thì họ dễ thay đổi giọng điệu lời nói, họ nghĩ làm như thế mới đủ biểu hiện “bề trên”. Nếu họ vẫn giữ tự nhiêu như xưa, giọng nói không những được nhận thêm nhiều sự tôn kính, mà còn làm người khác thoải mái.
- Địa vị càng thấp thì lòng tự ti càng cao. Nếu bề trên tỏ ra gần gũi, thì sẽ bù đắp mặc cảm tự ti của cấp dưới, xoá bỏ ngăn cách tâm lý, biến đổi mặc cảm tự ti của họ thành ý thức ưu việt, họ sẽ rất hăng hái thực hiện công việc, đây chính là cuộc đấu tâm lý ngôn ngữ.
6 CÁCH GÂY THIỆN CẢM.
1 . Thành thật quan tâm đến người khác.
2 . Luôn tươi nở nụ cười.
3 . Nhớ và gọi đúng tên của người.
4 . Biết nghe nhiều hơn nói, khuyến khích họ nói về họ.
5 . Hiểu và nói về điều mà họ thích thú.
6 . Thành thật làm cho họ thấy họ quan trọng.
9 CÁCH SỬA SAI NGƯỜI KHÁC
1 . Trước hết, thành thật khen ngợi vài điều tốt đã có nơi họ.
2 . Lấy thiện ý làm cho họ nhận thấy lỗi lầm.
3 . Trước khi phê bình, hãy tự phê trước (tiên trách kỷ, hậu trách nhân).
4 . Đừng ra lệnh sửa sai, nhưng hãy đặt câu hỏi ám chỉ họ.
5 . Giữ thể diện cho họ.
6 . Chân thành khuyến khích sự cố gắng, thiện chí đã có của họ.
7 . Tán dương họ, để họ xứng đáng với lời khen.
8 . Khích lệ và tạo sự dễ dàng giúp họ sửa sai tương lai.
9 . Tỏ ra vui sướng khi họ chấp nhận lỗi lầm và quyết sửa đổi.
9 CÁCH THUYẾT PHỤC
1. Đặt vấn đề, gợi ý đối thoại, để họ trình bày thoả thích.
2. Biết lắng nghe, trọng ý kiến họ, đừng bao giờ bảo họ hoàn toàn sai lầm.
3. Nên đặt những câu hỏi gợi ý sao cho họ tự nhiên trả lời ‘có’.
4. Bình tĩnh đề ra phương hướng để dẫn họ theo ý mình, khiến họ tưởng rằng ý kiến đó là của chính họ.
5. Cố gắng đứng vào quan điểm của họ để hiểu và dẫn dụ họ.
6. Ai cũng muốn được người khác quí mến, cảm thông, hãy thực hiện.
7. Kích thích thị giác và óc tưởng tượng bằng minh hoạ.
8. Thách đố, khiêu khích tức khí nơi những người có tâm huyết.
9. Khuyến khích hành động vì lợi ích, gợi lên tình cảm cao thượng.
GIÁ TRỊ CỦA NỤ CƯỜI
1. Một nụ cười chẳng mất vốn, nhưng lợi thật nhiều.
2. Nụ cười không làm nghèo người phát, nhưng làm giàu người nhận.
3. Nụ cười tươi nở trong khoảnh khắc, nhưng lưu nhớ suốt đời.
4. Nụ cười là dấu hiệu tình bạn thân thiện, gây hạnh phúc gia đình, hảo ý trong thương nghiệp.
5. Nụ cười không thể mua, xin, mượn, ăn cắp được… Nếu như khư khư giữ, nó chẳng có giá trị gì, nếu trao tặng đúng lúc cách phung phí thì có giá trị vô song.
6. Nụ cười là liều thuốc bổ dưỡng mệt nhọc, là nắng xuân cho kẻ buồn sầu, là liều thốc chữa trị lo âu.
7 . Hãy mỉm cười với đời, đời sẽ vui với bạn.
Vậy, nếu bạn muốn được mọi người thương mến, xin hãy nhớ thực hiện: Giữ nụ cười trên môi
NGHỆ THUẬT KHÍCH LỆ
Làm sao khích lệ người khác?
1. Là làm người khác phấn chấn.
2. Sử dụng phương pháp cảm hoá.
3. Làm khôi phục lòng tin.
4. Dựa vào sự chân thành làm cảm động người nghe.
5. Giữ hình tượng thật thà chất phác.
6. Lời nói có sức thu hút của nhân cách.
6 CÁCH KHÍCH LỆ NGƯỜI KHÁC
1. Cách làm người khác phấn chấn.
“Sử dụng phương pháp Ám thị”
· Hiệu quả lớn nhất của Ám thị là tạo ảnh hưởng lên tâm lý người khác, khiến họ tự động tự phát chứ không hoàn toàn nghe theo lệnh người khác.
· Bí quyết là: Sử dụng lặp đi lặp lại, đó là cách tạo cho người nghe cảm nhận bản thân họ có một niềm tin, khiến họ tự động tự giác làm và làm cách kiên trì.
Vd: Trong một cuốn băng luyện tập Anh ngữ, có một câu mang tính ám thị như sau: “Tôi là học sinh mới đậu vào Đại học năm nay, tôi chỉ bỏ ra hai tháng để học hết cuốn băng này”.
“Chỉ bỏ ra hai tháng!”, một câu đơn giản, ngắn gọn. Nếu bạn mở cuốn băng này hai mươi lần thì bạn sẽ nghe được hai mươi lần “chỉ bỏ ra hai tháng” bạn có thể học xong, một thúc đẩy vô hình, một quyết tâm hùng mạnh được khơi dậy, làm tăng trạng thái tâm lý hi vọng ở người khác, khiến họ tăng nhan tốc độ hoàn thành công việc: đó là bí quyết Ám thị.
2. Thường xuyên sử dụng phương pháp Cảm hoá.
· Thông qua sự ca ngợi người khác để đạt được mục đích cảm hoá là một phương pháp khích lệ tốt. Có thể xem đó là lời lẽ học đường. Đó là cách đánh giá họ cao hơn một chút, như thêm “thuốc bôi trơn” lên thực lực vốn có của bản thân họ, từ đó họ sẽ sáng tạo ra thành tích mới, bước lên một nấc cao hơn.
· Dùng phương thức tự trách mình, thay vì quở trách người, sẽ dễ cảnh tỉnh người khác. Người vợ muốn chồng không uống rượu nữa, có thể nói: “Em không muốn chồng em là người nát rượu!”. Đối với những người làm việc không hết mình, nếu không thì anh làm sao lại như thế!”.
· Nên nhớ, ngôn ngữ cấm chỉ hay ra lệnh thông thường đều sẽ gặp ba phản ứng:
- Kháng cự
- Phục tùng như máy
- Co lùi lại
Khi muốn một người cảnh tỉnh bản thân, điều tối kỵ cần tránh là đừng để họ có cảm giác bị châm biếm, mạ lỵ, nếu không thì sẽ có nguy cơ tuyệt giao, chạy trốn, kháng cự.
3. Làm cho người thất bại khôi phục lòng tin.
- Nếu muốn khuyên một người từ trạng thái “bi quan” sang “lạc quan” để họ khôi phục lại lòng tin, thì hãy vạch cho họ thấy con đường hy vọng. Ví dụ:
1. “ Cửa đại học tuy khó vào, nhưng với thành tích của cậu mà nói thì chẳng có vấn đề gì”.
2. “Cậu có thể thi đậu Đại học, tuy rằng thi Đại học rất khó”.
Có thể cách nói (1) hữu hiệu hơn (2), vì nó lưu lại ấn tượng sâu sắc hơn và làm lay động trong lòng người. Một lần, hai lần, nhiều lần, họ sẽ bất giác dung nạp mầm mống hy vọng, dũng khí sẽ cuồn cuộn dâng trào lạc quan.
4. Dựa vào sự chân thành làm cảm động người nghe.
- Điều cần nhất để diễn giảng thành công là: diễn giảng với tất cả sự chân thành làm cảm động người nghe.
- Khi diễn giảng, đừng kéo thời gian diễn giảng quá dài. Diễn giảng trong 3 phút không phải là một việc khó, không đòi hỏi nhiều khó khăn. Nếu bạn có ước muốn diễn giảng thành công, muốn người nghe cảm động, thì bạn nên diễn giảng vừa phải, với tất cả sự chân thành trong khi diễn đạt.
5. Giữ hình tượng thật thà chất phát.
- Học tập kỷ thuật nói chuyện cố nhiên rất khó. Vận dụng ngôn ngữ khéo léo như thế nào để lời nói được êm tai dễ nghe, đây cũng là một việc rất nguy hiểm. Vì nếu bạn cố trau chuốt làm cho lời nói quá ngọt ngào, thì người nghe cho rằng bạn là một người rất trải đời, rất khôn khéo và lắm khi họ chỉ khâm phục tài nói chuyện rất giỏi mà thôi.
- Nếu bạn nhất định muốn cho lời nói được êm tai dễ nghe mà nghĩ trăm phương nghìn kế để hết sức tu từ, thì sẽ dễ tạo ra cảm giác giả tạo. Nên nhớ: Tình cảm chân thật nhất, chính là lúc tuỳ ý phát biểu mà không có sự chuẩn bị trước. Chỉ cần ngôn ngữ hành vi của bạn như bình thương, lời lẽ của bạn thẳng thắn chân thành, thì cho dù bạn có lỡ lời cũng không đến nỗi nào.
- Chỉ cần bản chất của bạn cao nhã, bất kể khả năng nói chuyện của bạn hay, dở, thì những lời nói ra đều có cảm giác ý vị. Vì vậy, không cần phải cố sức làm cho lời nói trở nên êm tai dễ nghe. Ý vị tự nhiên của ngôn ngữ là quan trọng nhất, chỉ cần xuất phát từ đáy lòng của bạn thì cũng đủ đi vào nơi thâm sâu nhất của tâm hồn người nghe.
6. Lời nói cần tỏ ra có sức thu hút của nhân cách.
Đại triết gia Hy Lạp cổ Aristote cho rằng: Điều kiện quan trọng nhất của người diễn giảng chính là cần có nhân cách cao thượng. Nhân cách đó là nguồn hấp lực cá tính, tình người và tính hài hước.
- Điều quan trọng khi diễn giảng, trước tiên cần biểu lộ sức thu hút của cá tính. Ví dụ: Bạn thuộc kiểu người thành thật, mộc mạc, thì tuyệt đối không được nói ra những lời huỷ hoại ấn tượng ấy, mà nên cố gắng nói ra những lời hoà nhịp với bản chất mộc mạc của bạn.
- Nếu bạn muốn dùng tiếng cười châm biếm để làm cho người khác vui cười, thì sau khi tiếng cười đó kết thúc, bạn cần để lại trong lòng người nghe một cảm giác ấm áp nào đó. Chính là sự ấm áp tình người ẩn chứa trong tiếng cười châm biếm, chứ không phải là tạo cho người nghe một cảm giác “bị móc lò”.
- Một cuộc diễn giảng thành công không chỉ để chọc cười, mà còn là nói ra những lời hóm hỉnh hài hước nhiều ý vị. Sự hình thành những lời hóm hỉnh hài hước không chỉ dựa vào óc khôi hài, mà còn có tình người nồng hậu, nhẹ nhàng, khiến người nghe có cảm giác vấn vương lâu dài.
NGHỆ THUẬT HÀI HƯỚC
Hài hước là một nghệ thuật mang tính chất đặc thù ý vĩ của con người. Chỉ khi ta có tâm trạng an nhiên, tự tại, thoải mái thì mới có thể phát huy được tác dụng của nó.
I. HÀI HƯỚC là gì?
- Hài hước chính là sự kết tinh tư tưởng, ý thức, trí tuệ và sự linh cảm trong việc vận dụng ngôn ngữ, tạo ra hiệu quả vui cười, làm cuộc sống được nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
- Cách nói hài hước là sự khéo léo vận dụng hình thức ngôn ngữ gây cười, khôi hài, trêu đùa để phản ánh hiện trạng đối tượng. Có người nói: “Cách nói chuyện khôn ngoan là cách nói chuyện hài hước hóm hỉnh”.
- Người hài hước thường có phẩm chất cao thượng, có tấm lòng rộng mở, có trí thông minh, tưởng tượng phong phú, cư xử đầy nhiệt tình với mọi người.
- Tính hài hước có thể biến tâm trạng con người trở nên thoải mái, vui vẻ, giúp cho việc giao tế được suôn sẻ, trôi chảy.
Hài hước cũng là một Nghệ Thuật, nhờ sự “tu dưỡng” và rèn luyện “kỷ năng hài hước”.
II. “Tu dưỡng” khả năng hài hước.
Muốn nâng cao khả năng nói chuyện hài hước, ta hãy nỗ lực thực hiện các mặt:
1. Tâm hồn cao thương, lạc quan.
- Những lời lẽ hài hước được xây dựng trên suy tư lành mạnh và tâm hồn cao thượng. Nó đề xuất với người khác thiện ý phê bình và sự khuyên nhũ, tất nhiên nó đòi hỏi ta có trình độ tư duy cao và khả năng kiềm chế tình cảm cao.
- Một con người có tâm địa hẹp hòi, tư tưởng uể oải thì không thể có tính hài hước được vì lẽ họ thốt ra thường mang ý tiêu cực, châm biếm, mỉa mai, làm người nghe khó chịu.
- Thái độ hài hước là sự phản ánh thái độ lạc quan đối với cuộc sống, là biểu hiện tràn đầy tự tin của sức mạnh cá nhân. Có lạc quan thì mới thản nhiên xử lý những chuyện xảy ra ngoài ý muốn. Hãy khai thác tính hài hước trong cuộc sống và dùng sự vui vẻ để làm dịu đi những vết thương lòng do cuộc sống mang tới.
2. Sự tu dưỡng văn hoá tốt đẹp.
- Những lời lẽ hài hước có liên hệ với tài trí thông minh của người đó. Nó đòi hỏi cần có sự tu dưỡng văn hoá tốt đẹp, phong phú. Hài hước không phải là làm điệu làm bộ, mà là một dòng, chảy tự nhiên, những lời khôi hài cứ tự nhiên từ miệng thốt ra.
- Đọc nhiều sách báo, xem nhiều phim ảnh để mở rộng tầm nhìn, đọc nhiều tác phẩm hài hước ngắn, nhờ đó tính hài hước sẻ làm nảy sinh những lời lẻ tràn đầy sự liên tưởng kỳ dịu, có khi chỉ cần vài câu là có thể đề xuất rất nhiều vấn đề.
- Ngoài ra, còn cần phải có tài nói chuyện mới khiến cho lời lẻ dào tính hài hước.
3. Khả năng quan sát và trí tưởng tượng phong phú.
- Phản ứng nhanh là một đặc điểm của tính hài hước. điều này đòi hỏi người nói phải có tư duy nhanh nhạy, do kết quả của sự quan sát kỹ lưỡng các sự vật và sự cảm nhiệm sâu sắt trong cuộc sống. Quan sát là yếu tố quan trọng để tạo ra hiệu quả hài hước trong ngôn ngữ.
- Muốn nói chuyện cho được hài hước, cần dựa vào trí tưởng tượng phong phú để sáng tạo, không có trí tưởng tượng phong phú thì khó mà có tính hài hước.
- Ngoài ra, tính hài hước còn liên quan mật thiết với hoạt động xã hội của con người. Muốn cho lời lẽ của mình có tính hài hước cách tốt nhất là học tập cuộc sống. khi tiếp xúc với đủ loại hạng người, bạn sẽ làm giàu thêm vốn ngôn ngữ và tài nói chuyện của bạn. tính hài hước cũng giống như một chất men, khi ở chung với người có tính hài hước thì bản thân cũng sẻ được lan truyền tính hài hước.
4. Chú ý ngôn ngữ lành mạnh, hàm súc.
- Nói chuyện hài hước, dí dỏm, cần tránh những ngôn từ thô tục hay kiểu nói ngọt sớt, trơn tuột. Một ngon ngữ khôi hài nhất định cần phải lành mạnh, không được dung tục, tuỳ tiện, không được coi nó như kiểu nói đùa vô vị.
- Xuất phát điểm của hài hước phải là thiện ý, có lợi cho tinh thần đoàn kết và bầu không khí lành mạnh. Thần sắc, dáng vẻ kín đáo của người nói sẽ làm tăng hiệu quả hài hước. Ngoài ra, hài hước không nên quá huyền bí, mà cần dễ hiểu, nếu không thì sẽ giống như đoán câu đố, kéo dài, làm mất đi hiệu quả hài hước.
- Cuối cùng cẩn nhắc một điều, người ta chỉ cảm thấy hứng thú với sự vật tươi mới. ví vậy, cho dù là những lời nói rất hài hước, nếu cứ kể lại nhiều lần thì cũng khiến người nghe cảm thấy chán, do đó lời lẽ cần luôn mới mẻ.
- Tóm lại, chỉ cần chúng ta chân thành nghiêm túc nỗ lực thực hiện những phương diện kể trên thì nhất định sẽ nâng cao năng lực nói chuyện hài hước của bản thân.
III. Kỹ Năng Hài Hước.
Nói thế nào để đạt được hiệu quả hài hước lý thú? Đó là thường xuyên vận dụng khéo léo các phương pháp tu từ và logic.
1. Khéo dùng sự so sánh.
- Khi nói chuyện, cố ý kết hợp hai khái niệm và sự vật không có liên quan gì với nhau để tiến hành so sánh, từ đó tạo ra hiệu quả gây cười. Câu chuyện “Bí quyết vô địch”.
- Phóng viên một tờ báo đến hỏi một vận động viên vừa đoạt chức vô địch môn chạy việt dã.
- Xin anh cho biết bí quyết rèn luyện nào đưa anh dẫn đầu trong suốt cuộc chạy đua?
- Ồ, có gì đâu, lúc chạy tôi cứ nghĩ mình là chủ hụi vừa bị “ụp hụi”, mới thu gom được một món tiền, vậy mà các vận động viên khác là những người góp hụi, đang cố chạy đuổi theo đòi tiền lại!
2. Một lời hai ý.
- Cách nói chuyện một lời hai ý là vận dụng từ và nghĩa, cố ý đặt tên từ ngữ náo đó trong một hoàn cảnh nhất định, có ý nghĩa tương đương. Câu chuyện “Báo cáo”.
- Một người đàn ông rao bán báo ở quảng trường: “Một chuyện lường gạt kinh động, số người bị lừa gạt đã đến 82 người!”. Nghe vậy, một người vội vàng chạy tới mua một tờ báo, nhưng nhìn qua nhìn lại, chẳng thấy nội dung câu chuyện lường gạt đâu cả. Còn người bán báo tiếp tục rao lớn “Một chuyện lường gạt kinh động, số người bị lừa đã đến 83 người”.
3. Khéo dùng ví von.
- Cách ví von là cách nói dùng ví dụ chất phác để tượng hình.
- Ví dụ: Một vị chức sắc Huyện đã phát biểu trong buổi lễ vào ngày khai Trường như sau.
- “Quí thầy cô và các em học sinh phải biết rằng: Cái đức là cái căn bản, có thể thiếu tài nhưng không được thiếu đức. Tài ví như cái áo, đức ví như cái quần. không bận áo, ở trần thì còn coi được, chứ bận áo mà không bận quần thì khó coi lắm!
4. Dùng phản ngữ.
- Cách dùng phản ngữ là sử dụng những lời nói hoàn toàn ngược hẳn với ý muốn bày tỏ, những suy nghĩ bên trong khác với những ý nghĩ nói ra. Câu chuyện “Ai cũng thu hoạch”
- Hai ca sĩ đang ngồi nói chuyện phiếm với nhau.
- Một người nói: “Tôi lần đầu lên sân khấu đã thu được thành công lớn, hoa tươi mà khán giả tặng tôi, đủ để vợ tôi mở một tiệm bán hoa…”
- Người kia nói: “Thế thì ăn nhằm gì? Lần đầu tiên tôi lên sân khấu, tiếng hát của tôi làm kinh động toàn bộ khán giả, kết quả là họ tặng tôi một ngôi nhà!”
- “Hừ, chỉ nói láo!”
- “Không phải nói láo, mà là số gạch họ ném lên sân khấu đủ để tôi xây một ngôi nhà mới”.
5. Giải thích khác.
- Cách giải thích khác là do một yêu cầu nào đó, biết rõ phải giải thích như thế này nhưng lại đưa ra lý giải kiểu khác. Đó cũng là cách nói trước tiên cố ý đưa ra kết luận khiến người nghe dễ sinh ra hiểu lầm, sau đó lại đưa ra sự phân tích và giải thích khiến người nghe bất ngờ. Cách cố ý xuyên tạc như vậy cũng có thể tạo ra hiệu quả hài hước. Câu chuyện “Người gặp khó khăn”.
- Một anh chàng học sinh trung học rất kém Anh ngữ, nhưng làm một chuyến du lịch sang nước Anh. Một hôm, cha mẹ điện thoại sang hỏi con:
- Ở đấy, trình độ Anh ngữ của con thế nào rồi. Chắc là gặp nhiều khó khăn phải không?
- Không hề, không hề khó khăn gì cả. Người gặp khó khăn toàn là những người Anh ở đây, chứ không phải là con”. Câu chuyện “Cùng nhìn một hướng”
- Hai cậu con trai mới lớn bàn chuyện tình yêu.
- Cậu A hỏi bạn: “Yêu là gì nhỉ? Làm sao biết được nàng yêu ta?”
- Cậu B trả lời: “Yêu là cùng nhìn về một hướng”.
- Cậu A nhảy thốt lên: “Thế thì may quá, nàng đã yêu ta rồi!”.
- Cậu B ngạc nhiên: “Làm gì có chuyện đó được?”.
- Cậu A giải thích: “ Hôm qua tớ đến nhà nàng, nàng ngồi cạnh tớ, nàng mở Tivi và thế rồi 2 đứa cùng nhìn về một hướng!”
6. Cố ý khoa trương.
- Cách cố ý khoa trương là cố ý khoe khoang một sự vật nào đó, thậm chí ngược với qui luật thông thường để đạt hiệu quả hài hước. Câu chuyện “Tác dụng của tiếng cười”.
- A: Tôi nghe nói một tiếng cười trẻ đi 10 tuổi!
- B: Một tiếng cười trẻ đi 10 tuổi! Vậy hai tiếng cười trẻ đi…
- A: Hai mươi tuổi…
- B: vậy tôi năm nay 40 tuổi, tôi cười 4 tiếng thì sẽ được bồng ẵm, sướng thật!
7. Phán đoán kính đáo.
- Là một lời nói ẩn chứa một phán đoán khác, nó có đặc điểm “ẩn chứa không lộ ra”. Câu chuyện “Quá đủ”.
- Sau khi xem kết quả siêu âm, bác sĩ khuyên bệnh nhân:
- Anh nên bỏ rượu đi, vì hiện giờ gan của anh sắp chai như cục gạch, phổi đầy bụi, xương sắp hoá vôi, thận anh đầy sỏi…
- Nhưng tôi lại có tim bằng thép, nó không cho tôi bỏ rượu đâu, thưa bác sĩ!
- Vậy thì anh chỉ cần thêm ít xi măng nữa là quá đủ để xây cuộc đời mới rồi!
8. Hàm súc uyển chuyển.
- Cách nói uyển chuyển hàm súc là đối với chuyện nào đó, người ta không muốn trực tiếp nói thẳng ra, mà dùng những câu nói đồng nghĩa tương ứng để biểu đạt một cách uyển chuyển, khúc chiết. Câu chuyện “Viết trong bóng tối”
- Con trai: bố ơi, bố có thể viết trong bóng tối được không?
- Bố: Tất nhiên là được, con ạ.
- Con trai: Vậy bố thử tắt đèn đi, rồi ký vào đây sổ liên lạc nhà trường cho con nhé!
9. Lợi dụng mâu thuẫn.
- Cách lợi dụng mâu thuẫn của bản thân đối tượng, những điểm hở của vấn đề, vạch ra chỗ đáng cười, cũng sẽ đạt được hiệu quả hài hước. Câu chuyện “Dở ẹc”.
- Hát dở ẹc! Bác có biết cô ca sĩ đang đứng hát đó không?
- Biết! Con gái của tôi đó.
- Ấy chết! Xin lỗi bác, kể ra thì giọng hát cũng hay hay… Nhưng có lẽ bài hát dở quá. Bác biết ai sáng tác bài hát đó không?
- Chính tôi đây!
10. Trao đổi khái niệm.
- Cách lén đổi khái niệm là cố ý dùng một khái niệm này, để đổi một khái niệm khác nhằm đạt được mục đích nhất định, tạo ra hiệu quả hài hước. Câu chuyện “Một bước không rời”.
- Hai cha con đi ra ngoài thành du ngoạn, cha nói với con:
- Hãy cẩn thận, nơi đây có loại rắn gọi là “Ngũ bộ xà”, bị nó cắn thì đi năm bước sẽ chết.
- Không sao, lỡ có bị nó cắn thì con chỉ đi bốn bước rồi không đi nữa.
- Tốt! Con thông minh lắm, thế nhưng con làm như thế sẽ rất nguy hiểm, vì chỉ cách cái chết có một bước!
- Thế phải làm sao!
- Không đi bước nào cả mới an toàn.
11. Nói bóng gió, canh khoé.
- Là cách nói lợi dụng ngôn ngữ dí dỏm lý thú để nêu lên một tệ trạng, phản bác một quan điểm sai lầm náo đó. Cách nói này muốn được hiệu quả còn tuỳ thuộc vào sự suy ngẫm thưởng thức của người nghe. Câu chuyện “Ba chàng nói khoác”.
- Ba anh chàng sinh viên nổi tiếng nói khoác ngồi lại than thở về đời sống kham khổ của sinh viên.
- Anh học Tổng hợp bảo: “Bữa cơm Sinh viên ở trường tớ ngay cả ruồi nó không đụng vào”.
- Anh học Bách khoa nói luôn: “Còn trường tớ, thì cả ruồi cũng phải đánh nhau với sinh viên để tranh từng hạt cơm. Lắm lúc nhìn những chú ruồi gầy còm đang nghẹn ngào nuốt những hạt cơm cứng như đá, tớ thấy thương quá”.
- Anh học Sư phạm lên tiếng: “Trường của các cậu vậy là khá lắm. ở trường tớ đấy à, cứ vào nhà bếp sau bữa ăn thế nào cũng thấy vài chú ruồi đang nằm hấp hối trên những cái đĩa đã vét sạch trơn bóng loáng, mặt đầy lệ, miệng than thở đói quá, đói quá, và sau đó thì chú ruồi tắt thở”.
12. Sự chất phác, trong sáng.
- Rất nhiều người hài hước gây cười, chính là kết quả tư duy hài hước chất phác áp đảo tư duy bình thường tạo ra. Tư duy chất phác giống như đứa trẻ, thì sẽ gây ra hiệu quả hài hước rất mạnh. Câu chuyện “Tuổi con gì?”
- Ông khách hỏi đứa bé: Cháu tuổi con gì?
- Đứa bé lắc đầu: Cháu không biết.
- Sao thế?
- Ở nhà, lúc cháu giỡn thì chị bảo cháu là “đồ khỉ”; khi cháu làm việc chậm chạp, thì mẹ bảo cháu là “đồ rùa”; khi cháu đem sổ liên lạc nhà trường để cho ba ký, thì cháu bị mắng là “đồ bò”!
- Kết: Từ những điều kể trên, chúng ta có thể thấy việc khéo vận dụng phương pháp tu từ và logic sẽ khiến lời nói hài hước dí dỏm. Đương nhiên, kỹ năng hài hước không chỉ có 12 loại trên, chúng ta có thể học hỏi thêm nhiều hơn từ trong thực tế.
BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG
Thành công không chỉ dành cho những thiên tài, nhưng là dành cho những người siêng năng và lao động không mệt mỏi.
8 BÍ QUYẾT GIÚP BẠN THÀNH CÔNG:
1. Phải có niềm tin đặt vào ước mơ: Trước tiên đó là sự lạc quan tin tưởng vào sự thành công của công việc.
2. Thời khoá biểu làm việc: Làm việc siêng năng là cần thiết, nhưng làm việc có tổ chức, đều đặn, giờ giấc rõ ràng sẽ đem hiệu quả cao.
3. Từng bước khắc phục khó khăn: Cần phải biết xác định mục tiêu phấn đấu và từ từ tiến lên vượt qua thử thách.
4. Cố gắng khắc phục yếu điểm: Đừng bỏ qua nhược điểm, nếu bạn không muốn sớm nhận lấy thất bại.
5. Tự thưởng cho những thành công bản thân: Như thế sẽ kích thích bạn siêng năng làm việc hơn.
6. Kiểm điểm những việc đã thực hiện trong ngày: Để kịp thời sửa sai. Nên đặt câu hỏi: “Tôi đã hoàn thành được việc gì? Tôi cần làm gì kế tiếp? Tôi chuẩn bị gì cho ngày mai?”
7. Phải biết nghỉ ngơi: Nên nhớ, mệt mỏi sẽ dễ sai lầm, mệt mỏi có thể gây cẩu thả trong công việc.
8. Cần có sự động viên khích lệ: Thân nhân, bàn bè… là những người bạn cần tâm sự để nhận lấy những lời động viên, khuyên nhủ kịp thời.
ĐỂ VƠI NỖI BUỒN
Ai trong chúng ta lại không có những lúc buồn chán, thất vọng và muốn buông xuôi tất cả?
Dưới đây là kinh nghiệm của một số chuyên gia tâm lý nói về phương cách làm NỖI BUỒN:
1. Hãy tự chủ cuộc sống của bạn.
Những sự việc thất bại có thể làm cho bạn cảm thấy chán nản vá bắt đầu có hiện tượng tự ti mặc cảm. Bạn hãy chấm dứt ngay triệu chứng tự ti nầy bằng cách tự nhủ với mình rằng: Chính tôi phải làm chủ cuộc đời của tôi, chẳng có gì là quá quan trọng. Rồi bạn can đảm tìm cách giải quyết vấn đề, đôi khi cũng cần một thái độ dứt khoát tưởng chừng như muốn đối đầu với khó khăn, ngay cả với những khó khăn hầu như không vượt qua được.
2. Tạo nhiều cơ hội để CƯỜI.
Còn cười là còn thấy cuộc đời đáng sống! Thật sự cười có thể giúp bạn sống lâu hơn. Ở một số nước, thậm chí người ta còn tham gia vật lý trị liệu để được cười, giúp kéo dài tuổi thọ. Do đó, khi bạn cảm thấy buồn chán, hãy đi xem phim, kịch hài… để tiếng cười được bật ra… và liền đó, bạn sẽ thấy bớt căng thẳng hơn nhiều.
3. Kiếm việc tay chân để làm
Việc làm và không gian thoáng sẽ khiến tâm trạng của bạn giải toả phần nào. Ví dụ như lau chùi nhà cửa, giặt ủi quần áo… Cho nên, thay vì bạn nằm dài suy nghĩ về những tiêu cực, những khúc mắc, khó khăn trong công việc thì bạn hãy nhanh nhẹn tay chân sẽ có lợi gấp đôi.
4. Tự mình làm giảm căng thẳng (Stress).
Khi tâm trạng không vui, tốt nhất bạn không nên trả lời bất cứ ai. Bởi vì bạn có thể làm tổn thương tình cảm của họ do những câu nói nhát gừng, nét mặt cau có của bạn. Tốt hơn, bạn hãy vào phòng riêng đóng cửa lại, mở nhạc lớn, nếu có thể, bạn cũng nên reo hò, la hét để đẩy sự bực dọc ra khỏi tâm trí bạn. Nếu cần thiết, bạn cũng có thể đấm vào gối hay la mắng cái gương…Vì một sự “giải toả” như thế cũng giúp bạn bớt căng thẳng mà không làm tổn thương đến người khác.
5. Chăm sóc bản thân.
Hãy tự làm đẹp cho mình hoặc đến các dịch vụ cắt tóc, sửa móng chân, móng tay hay massage. Bạn cũng có thể thưởng thức những món ăn ngon và nghĩ rằng bản thân mình là đáng quí. Tức khắc bạn sẽ bớt buồn ngay.
6. Hoạt động cơ bắp để thư giãn.
Ngồi thần thừ suốt ngày càng làm cho bạn buồn chán hơn. Bạn hãy tập thể dục, chơi thể thao, bạn cũng có thể đi bộ ở công viên hoặc dọc theo bờ biển hóng mát mà hít làn khí trong lành. Thậm chí điệu nhảy giậm chân cũng giúp tâm hồn bạn lắng dịu.
7. Thăm viếng bạn bè.
Lúc buồn chán mà có được một người bạn tốt để tâm sự là bạn đã vơi được một nửa. Bên cạnh đó, những hoạt động có tính chất tập thể sẽ làm bạn quên sự chán nản, nỗi buồn riêng của mình. Bạn hãy sắp xếp thời gian để cùng bạn bè đi picnic, đi tham quan, hoặc tham gia một phong trào hay một công tác xã hội nào đó.
8. Lên kế hoạch cho những hoạt động yêu thích.
Bạn hãy thực hiện việc làm gì đó mà bạn ưa thích, như đi nghỉ xa tại một nơi mà bạn ao ước, đi mua sắm hoặc tham gia vui chơi hội hè. Bạn sẽ bị cuốn hút vào niềm vui mà quên đi nỗi buồn.
9. Hết mình với công việc.
Bạn hãy tăng thêm thời gian làm việc để không còn thời gian rảnh rỗi, suy nghĩ đến chuyện buồn. Làm việc mệt mỏi sẽ đem bạn đến giấc ngủ ngon. Một khi thời gian biểu của bạn lắp đầy với những công việc, thì nỗi buồn chán sẽ không có chỗ chen chân vào.
10. Tự khích lệ.
Hãy nghĩ về những khía cạnh tích cực của bạn cũng như những thành quả bạn đã đạt được để có thể tin vào mình. Từ đó bạn tự động viên mình “Thua keo này, bày keo khác” và nhất là “Thất bại là mẹ thành công”… Bạn sẽ có thêm can đảm để bắt đầu lại.
BÍ QUYẾT
GIỮ TÂM HỒN THANH THẢN
1. Vài phút tĩnh lặng tâm hồn.
Đây là điều rất cần thiết cho những người quá bận rộn với nhiều công việc chồng chất, mà không có thời gian cho sự thư giãn. Bí quyết để giải tỏa stress (căng thẳng) đơn giản này: Chỉ cần 30 giây để thực hiện: Hãy tìm một chiếc ghế, ngồi thoải mái, suy nghĩ về vài điều thật dễ chịu, kéo dài chừng 30 giây, lặp lại nhiều lần trong ngày. Nếu được thực hiện đều đặn, bạn sẽ cảm thấy tinh thần thanh thản hơn nhiều.
2. Hãy dự đoán trước sự việc sẽ xảy ra.
Không phải là lúc nào cũng bi quan, lo lắng thái quá, nhưng bạn nên hiểu rằng sẽ có những tình huống thách thức sự kiên trì và sức chịu đựng của bạn. Vậy bạn hãy học cách chấp nhận và đề ra phương hướng giải quyết cách tích cực để ngăn ngừa hậu quả bất ngờ.
3. Hãy tư vấn chính mình.
Bạn thường lo lắng, hốt hoảng trong những tình huống khó khăn và bi quan trước những điều thậm tệ nhất có thể xảy ra?
Trong những trường hợp này, bạn nên tự đặt cho mình những câu hỏi “hóc búa”, nhưng thực tế, chẳng hạn:
· Nguyên nhân nào chuyện không hay ấy lại xảy ra?
· Có cách nào để giải quyết vấn đề không?
· Làm cách nào để chấm dứt cơn stress đó.
Bằng cách nhìn thẳng vào thực tế sự việc, cuộc sống đối với bạn sẽ không còn là nỗi lo triền miên nữa.
4. Hãy là người năng động.
Quá nhàn rỗi cũng như quá bận bịu, tất bật sẽ làm cho ta dễ bị stress. Một cuộc nghiên cứu nhóm người phụ nữ mất việc vẫn ăn lương, thì hệ thống miễn dịch của họ hoạt động kém hơn nhóm người phụ nữ có làm việc. Vì vậy, nếu bị mất việc hay quá nhàn rỗi, bạn hãy học cách sử dụng thời giờ nhàn rỗi cách tích cực và hiệu quả.
5. Hãy dậy sớm vào buổi sáng.
Một nhà tâm lý trị liệu cho rằng: “Dậy sớm vào mỗi buổi sáng sẽ giúp giảm bớt tần số bị stress” (Bà Ursula Markham). Nhờ thói quen tốt này, bạn sẽ có thời gian để làm việc trong trạng thái bình tĩnh, thong thả hơn, và sẽ thoát những “cơn khủng hoảng” thường xảy ra và giờ phút chót.
6. Ấn huyệt hỗ trợ.
Đặt các ngón tay ở phần cuối cổ, nơi tiếp giáp với vai, ấn xuống 20 giây, hít sâu và từ từ thở ra. Nhích các ngón tay lên cao 1 cm và làm lại động tác này. Sau đó nhích lên cao nữa… Thư giãn cơ lưng, bằng cách dang tay tự “ôm” lấy mình, duỗi tay ra xa, rồi ôm lấy mình lần nữa (khoảng 5 lần). Đây là phương pháp dạy ấn huyệt kết hợp với massage vận động, rất có hiệu quả trong các trường hợp bị stress. (Theo Women’s Day).
10 LỜI KHUYÊN
ĐỂ PHÁT HUY TÍNH SÁNG TẠO
ĐỂ PHÁT HUY TÍNH SÁNG TẠO
1. Dám suy nghĩ khác mọi người.
Hãy rời khỏi những con đường đã vạch sẵn, đừng cầu toàn theo ý tưởng của đa số và dám tránh xa những chủ nghĩa xu thời trong trường hợp cần thiết. Đưa ra một ý tưởng riêng của mình có thể làm phật lòng người khác, song như thế bạn sẽ dễ làm quen với cách suy nghĩ độc lập.
2. Giải quyết theo cách của mình.
Đối với mỗi vấn đề, bạn hãy tập tìm ra giải pháp theo cách của mình.
3. Đừng hài lòng một giải pháp duy nhất.
Nên tìm ra ít nhất hai giải pháp cho mỗi vấn đề. Chẳng hạn đối với câu hỏi “2 với 2 là mấy”, bạn có thể trả lời là 4 hay 22.
5. Tự đặt câu hỏi “nếu”…?
Nếu ngày mai thành phố không còn xe hơi? Nếu ngày mai tôi lạc vào một hoang đảo?... Nếu thường xuyên đặt câu hỏi dạng này, đầu óc bạn sẽ quen với việc tìm ra các giải pháp sáng tạo cho một vấn đề nào đó.
6. Sáng tạo những câu chuyện và trò chơi.
Nếu đang buồn bã ở một nơi công cộng, bạn hãy chơi đùa bằng cách quan sát những người chung quanh, tưởng tượng ra cuộc sống của họ và xây dựng kịch bản từ thái độ hoặc hình dáng của mỗi người.
7. Phá vỡ những thói quen.
Đừng ngồi vào bàn ăn cùng một chỗ, đừng đi lại trên cùng một con đường, đừng thực hiện những động tác như nhau khi đến văn phòng…
8. Tìm kiếm mặt tích cực của sự vật.
Nếu không có những kết quả như tiên liệu thì bạn hãy chấp nhận nó. Đôi khi đó là một kết quả thú vị nhiều so với những gì bạn tìm kiếm. Nhiều phát minh lớn đã ra đời như thế.
9. Giữ đầu óc phê bình.
Mỗi khi có điều gì hoạt động không đúng, bạn hãy tự hỏi sai lầm phát xuất từ đâu và bằng cách nào người ta có thể khiến nó hoạt động hợp lý và tốt đẹp trở lại.
10. Tìm những cái mới.
Để làm điều này, bạn hãy tìm kiếm những thông tin và quan sát trong những lĩnh vực khác nhau, rồi phối hợp chúng lại. Đó là những gì Gutenberg đã làm khi đặt chồng máy ép và hộp mực lên nhau để tưởng tượng ra máy in. (Theo Quo)
HẠNH PHÚC TRONG BÀN TAY
Câu chuyện ngụ ngôn Ba Tư được kể như sau:
Tại quảng trường của một thành phố nọ, có một nhà hiền triết xuất hiện và tuyên bố giải đáp được tất cả mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế. Một hôm, giữa một đám đông đang say mê lắng nghe giảng thuyết thì có một người mục tử (chăn chiên) từ trên cao nguyên xuống, anh nghe tiếng đồn về sự khôn ngoan của nhà hiền triết, anh muốn chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông. Anh đến gần nhà hiền triết, trong tay anh nắm chặt một con chim nhỏ. Anh đặt câu hỏi như sau:
“Thưa ngài, ngài là bậc thông thái và khôn ngoan, ngài biết được mọi sự. Vậy, trong tay tôi có một con chim: Xin ngài nói cho biết con chim tôi đang cầm trong tay sống hay chết?”.
Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử tinh ranh đang giăng ra. Nếu trả lời con chim đang sống, tức khắc anh chàng sẽ bóp cho nó chết trước khi mở tay ra. Còn nếu ông bảo con chim đã chết, tức thì người ma lanh ấy sẽ mở bàn tay ra, và con chim sẻ bay đi. Sau một lúc thinh lặng trước sự chờ đợi của đám đông, nhà hiền triết mới trả lời như sau:
“Con chim mà ngươi đang cầm trong tay ấy, còn sống hay chết là tuỳ ở ngươi. Nếu ngươi muốn nó sống, thì nó sống, nếu ngươi muốn nó chết thì nó chết”.
Ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc.
Ai trong chúng ta cũng mong ước cuộc sống an bình, vui tươi. Nhưng lắm khi chúng ta chạy theo chiếc bóng mờ ảo của hạnh phúc, hơn là hưởng nếm chính hạnh phúc đang cầm trong tay chúng ta. Hạnh phúc của chúng ta đang có, cũng giống như con chim mà mỗi người chúng ta đang cầm trong bàn tay. Con chim ấy sống hay chết là tuỳ ở mỗi người chúng ta.
- Bí quyết của hạnh phúc, chính là đón nhận những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống. Đôi lúc chính chúng ta đánh mất hạnh phúc, bóp chết niềm vui của chính mình, thế mà chúng ta không ngờ, hoặc lại đổ lỗi cho tha nhân.
- Hạnh phúc đích thực của người Kitô hữu là chính Thiên Chúa. Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa chiếm ngự, nếu chúng ta để cho Thiên Chúa lấp đầy, thì dẫu nghịch cảnh có như mây đen bao phủ đi nữa, chúng ta vẫn cảm thấy an bình, hạnh phúc.
- Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, để cho Chúa chiếm trọn tâm tư, chọn Chúa là tất cả trong cuộc sống, chúng ta sẽ có niềm vui đích thực toàn vẹn và vĩnh cửu.
Bạn đã cảm nhận hạnh phúc đang nằm trong bàn tay bạn hay chưa?
SỐNG LIÊN ĐỚI
Có một chàng thanh niên nọ khao khát trở thành thánh nhân. Chàng xin vào một dòng tu. Không mấy chốc, chàng khám phá ra tính tình nóng nảy của mình. Nhưng thay vì tìm căn nguyên nơi mình, chàng qui trách cho người xung quanh. Tha nhân trở thành hoả ngục đối với chàng. Sau cùng, không còn chịu nổi đời sống tập thể nữa, chàng nghĩ có thể tìm thấy sự yên tĩnh trong sa mạc. Thế là chàng lên đường tìm đến một nơi hoang vu vắng vẻ để cắm lều sống đời ẩn sĩ. Mà thật thế, chàng tìm lại được sự thanh thản trong tâm hồn…
Tuy nhiên, sự bình an trong cô quạnh ấy không kéo dài được. Ma quỉ kéo đến và chúng gây xáo trộn trong căn lều xinh xắn của chàng. Không còn giữ được bình tĩnh, chàng đã nổi tam bành và đạp đổ tất cả…
Sau cơn giận dữ, trở lại trạng thái bình thường, chàng mới hồi tâm suy nghĩ: Tôi đã bỏ lại tu viện các anh em của tôi, nhưng tôi lại mang chính tôi vào sa mạc. Không phải anh em tôi là căn nguyên đau khổ của tôi, nhưng tính tình của tôi mới là căn nguyên của mọi đổ vỡ…
Không ai là một hòn đảo.
Chúng ta được sinh ra trong một gia đình. Chúng ta lớn lên trong một xã hội. Chúng được ơn gọi để sống trong một cộng đoàn. Tha nhân có thể là một trở ngại, nhưng tha nhân cũng chính là sự trợ giúp để chúng ta phát triển nhân cách và thành toàn hơn. Tha nhân không là hoả ngục, nhưng tha nhân có thể là luyện ngục, giúp ta tinh luyện nhân đức và sống hạnh phúc hơn.
Vào đời, chúng ta bị ràng buộc với người, chúng ta trao đổi công việc với người, chúng ta chia sẻ nghĩa tình với người, chúng ta phục vụ người và được người phục vụ. Chúng ta liên đới với nhau về vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta liên đới với nhau trong hạnh phúc lẫn đau khổ. Không ai hạnh phúc một mình và cũng không ai một mình đau khổ. Nhờ người ta vui và nhờ người, ta mới trúc bớt những cơ cực, sầu khổ.
Thế giới này quá nặng nếu chỉ một người mang lấy, và sự khổ cực của vũ trụ quá lớn cho một trái tim. Đừng tưởng rằng một mình có thể sống giữa vũ trụ mà không cần đến ai, không cần ai giúp đỡ!
Tâm lý thông thường của con người là thích đòi hỏi người khác hơn là đòi hỏi chính mình, thích xét đoán người khác hơn là chất vấn chính mình, thích sửa lưng người khác hơn là thay đổi chính mình. Ta đòi hỏi người phải tốt hơn ta, mà quên rằng chính ta chưa tốt cho người.
Nếu chúng ta không muốn người khác cau có với mình, thì hãy mang bộ mặt vui tươi phấn khởi đến với mọi người. Nếu chúng ta không muốn ai cư xử hẹp hòi với mình, thì hãy sống quảng đại, bao dung với người khác.
Tất cả mọi căn nguyên của thất bại hay thành công, hạnh phúc hay đau khổ, vui hay buồn đều nằm trong ta. Cuộc chiến cam go nhất và liên lỉ nhất, chính là cuộc chiến nội tâm chống lại bản thân ta. Xã hội có thể thay đổi, cuộc sống có thể tốt đẹp hơn, nếu chúng ta biết cải thiện con người của ta trước.
Tha nhân không là hoả ngục, và thiên đàng không đợi chờ ở đời sau.
Thiên đàng là hạnh phúc có thể đến ngay trong cõi đời này rồi. Thiên đàng và hạnh phúc ấy là gì, nếu không phải là: Những lần ta cố gắng làm cho người khác hạnh phúc.
Cho đi là nhận được
Quên mình là tìm thấy
Tha thứ được thứ tha
Chết đi là sống mãi.
ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN
Ông Lothartli, thần học gia và thi sĩ người Đức đã tưởng tượng ra câu chuyện này:
Một ngày kia, có một bạn trẻ đến gặp Chúa Giêsu và hỏi Ngài: “Thưa Ngài, tất cả chúng con đều biết Thầy đến bởi Chúa Cha và dạy dỗ chúng con những điều chân thật. Nhưng về phần cộng đoàn của Thầy, những người đi theo Thầy, thì con phải thú thật là họ chẳng sống những gì Thầy dạy đâu, ngược lại đằng khác! Mới đây, có tiếng tăm đồn thổi là các tín đồ của Thầy chẳng hiệp nhất gì với nhau, cãi lộn tùm lum! Vì thế, con xin Thầy một điều: Cho con theo Thầy, mà không cần phải sống liên kiết với những đoàn thể của Thầy? Con muốn theo Thầy và làm một tín hữu tốt, nhưng con không cần đến cộng đoàn, không cần Giáo Hội và những thứ lề luật lòng thòng nào khác…”
Chúa Giêsu nhìn người trẻ ấy một cách trìu mến và nói: “Hãy nghe đây, Thầy muốn kể cho con câu chuyện này: Một ngày kia có một nhóm người quây quần bên nhau tán gẫu. Khi chiều về và bóng tối lan rộng tứ phía, họ kiếm củi và nhóm lên một nhóm lửa. Họ ngồi sát cạnh nhau. Lửa cháy sưởi ấm lòng họ, và chiếu sáng từng khuôn mặt của họ lên. Nhưng có một người trong nhóm lại không thích ở chúng với mấy người khác, mà chỉ thích ở một mình. Chàng cầm lấy que củi đang cháy và đi xa khỏi bọn họ, ngồi chơi vơi một xó. Ngọn lửa của chàng cũng khiến cho chàng ấm áp và mặt chàng cũng được dọi sáng lên như những người ngồi chung với nhau đằng kia. Nhưng càng về khuya, ngọn lửa của chàng càng tàn lụi dần. Chàng cảm thấy lạnh lẽo cũng như tối tăm. Chàng bắt đầu suy tư. Rồi chàng mang que củi sắp tắt của mình trở về với đồng bọn. Thế là que củi của chàng cũng cháy sáng lên. Chàng ngồi xuống với những người khác như trước. Chàng cảm thấy ấm áp và khuôn mặt của chàng cũng rạng sáng trở lại”.
Sau cùng Chúa Giêsu thêm: “Ai thuộc về Thầy thì người ấy cũng gần lửa. Thầy đến thế gian để nhóm lên ngọn lửa cháy trên thế gian, và Thầy mong muốn biết bao được thấy ngọn lửa ấy bừng lên trong lòng mọi người”.
Chúng ta sinh ra trong cộng đoàn nhân loại, chúng ta lãnh nhận đức tin từ một cộng đoàn Giáo Hội, và đức tin của chúng ta chỉ có thể sống và lớn mạnh trong cộng đoàn Giáo Hội mà thôi. Không ai có thể theo Chúa Kitô, làm môn đệ Chúa Kitô mà có thể ở ngoài cộng đoàn Chúa Kitô: Vì Chúa Kitô là đầu Hội Thánh. Người Kitô luôn được mời gọi nhận thấy Chúa nơi tha nhân.
Tha nhân chính là hình ảnh của Chúa. Trong cái nhìn ấy, cuộc sống của chúng ta phải luôn hướng tới chiều kích cộng đoàn: Niềm đau của anh em phải là niềm đau của ta và hạnh phúc của anh em cũng là hạnh phúc của ta. Là con người sống giữa xã hội, là tín hữu sống trong Giáo Hội là tu sĩ sống trong cộng đoàn, tình liên đới không phải là thứ xa xí phẩm chỉ để điểm tô cuộc đời. Nó cũng không phải là thứ vật phụ thêm vào nhân cách của tôi.
Tình liên đới là một đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi làm người. Tôi càng nên người hơn, khi tôi sống với anh em và sống cho anh em. Tôi càng phong phú hơn, khi tôi biết hợp tác và trao ban cho anh em. Con người chỉ thể hiện trọn vẹn tính người, khi con người sống liên đới với người khác.
Đức Cha Fulton Sheen, vị diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình Mỹ đã có lần phát biểu: “Không ai trong chúng ta có thể vào thiên đàng, nếu ở đó không có ai nói với chúng ta: Chính tôi đã giúp đỡ để đưa bạn vào thiên đàng”.
Phải, tha nhân là một trợ giúp để đưa ta vào thiên đàng. Họ cũng có thể là những người cùng khổ chìa tay xin ta bố thí. Đó là dịp để chúng ta thực thi bác ái. Họ cũng có thể là những người thân cận làm chúng ta phải đau khổ, chua cay. Đó là dịp để chúng ta hy sinh, đền tội. Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những người chúng ta cố gắng làm cho họ hạnh phúc. Chính những người đó là những kẻ giúp ta vào hạnh phúc thiên đàng.
Nhân vô thập toàn. Giáo Hội bao gồm những con người, cộng đoàn gồm những con người, nên vẫn có những bất toàn nơi con người, trong đó có cả sự bất toàn của chính mình. Nếu chúng ta biết khiêm tốn nhận ra giới hạn của mình, và biết chấp nhận giá trị của người khác, có lẽ chúng ta sẽ không bất mãn về người khác, cũng như không bực bội chính mình.
Cuộc sống sẽ dễ thở hơn, ấm cúng hơn nếu mỗi người chúng ta biết cư xử với nhau bằng tình bác ái của Chúa Kitô. Ánh sáng Chúa sẽ tiếp tục tỏa sáng nơi từng gương mặt chúng bằng yêu thương. Dấu hiệu để tỏ ra tình yêu mến tha nhân, đó không chỉ bằng lời nói suông, nhưng bằng hành động, sự nhẫn nhục, tha thứ, giúp đỡ.
Cho dù Giáo Hội có những lủng củng, cho dù cộng đoàn có những bất hòa thì mỗi thành viên phải là ánh lửa tình yêu, phải là nhịp cầu hiệp thông, phải là chiếc phao tha thứ. Phải sống thế nào để người ta có thể nói: Niềm vui và tình yêu Chúa Kitô vẫn còn cháy sáng trong tôi, trong lòng mọi người.
Thiên Chúa đã ban cho mỗi người một ánh lửa: Lửa của Tin – Yêu, và Ngài mong muốn biết bao cho ánh lửa ấy cháy lên, tỏa sáng hơn. Nếu mỗi người biết nhóm lên ngọn lửa tình yêu, biết đóng góp phần nhỏ bé của mình vào cộng đoàn, thì có lẽ thế giới này sẽ bớt lạnh lẽo hơn vì ích kỷ, hận thù, chiến tranh, đói nghèo.
Thà rằng đốt lên ngọn lửa cháy
Thà rằng thắp lên ngọn đèn sáng
Còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.
0 nhận xét:
Hướng Dẫn Comment