[ CHƯƠNG 1 ] NGƯỜI LỊCH SỰ

Lịch sự là đặc điểm của một người có giáo dục, vì giáo dục nhằm giúp một người nên người hơn, nên Giáo dục nhân bản cần được khởi đầu bằng lịch sự.

Lịch sự là những hình thức Lễ phép bên ngoài, được xã hội thỏa thuận và tuân giữ, để cuộc sống chung giữa người với người được hài hòa, êm đẹp hơn.

Lịch sự là bông hoa thơm đẹp của cuộc sống con người, bông hoa ấy làm cho người lịch sự được kính trọng yêu mến, ngưỡng mộ.



Chủ đề NGƯỜI LỊCH SỰ được trình bày:

1. Lịch sự là gì?

2. Tác phong lịch sự.

3. Lịch sự trong giao tiếp.

4. Thư từ, điện thoại, tặng quà.



Bài 1

LỊCH SỰ LÀ GÌ?



I. Lịch Sự là Nhân Đức.

1. Lịch sự: có nghĩa là “xử thế hoàn hảo”, là những hình thức, lễ phép, do con người trong một xã hội thiết lập và công nhận, nhằm đối xử với nhau cách tôn trọng và êm dịu cuộc sống chung.

2. Nhân đức nền tảng của lịch sự: Công bằng và Bác ái

* Công bằng: vì phép lịch sự dạy ta biết tôn trọng quyền lợi và nhân phẩm của người khác, cũng như ta muốn người khác cũng tôn trọng ta. Lịch sự một thứ kỷ luật bản thân để khỏi xâm phạm đến tự do người khác.

* Bác ái: Vì muốn lịch sự với người khác, ta phải dẹp bỏ tính ích kỷ, chế ngự tính nóng nảy, thái độ thô tục… và tích cực hơn, ta muốn tạo bầu khí vui tươi, làm hài lòng người khác. Lịch sự cũng là một sự cho đi. Có người nói: “Lịch sự là đó hoa của đức ái”.

3. Cái “Hồn” của lịch sự: Chân thành.

Lịch sự là hình thức kính trọng bên ngoài, diễn tả thái độ kính trọng bên trong. Nhưng có người nói: “Lịch sự là vua giả dối!”, vì kinh nghiệm cuộc sống, nhiều người có những lời nói, cử chỉ, tác phong rất lịch sự, không thể chê được nhưng không được mọi người cảm mến, hoặc có thiện cảm ban đầu, còn thời gian sau, biết họ rất ác hiểm, lường gạt!

Tại sao? Lý do là vì “vẻ lịch sự của họ” chỉ là cái vỏ bề ngoài, thiếu cái hồn là sự chân thật. Sự chân thành đòi hỏi thái độ bên trong phải đẹp như thái độ lịch sự bên ngoài.

Lịch sự mà thiếu chân thành, chỉ là một thứ giả hình!

III. Lịch sự là bổn phận.

Đối với Chúa: Vì Thiên Chúa là Đấng sáng tạo vũ trụ, đã sinh dựng nên ta và luôn ban mọi ơn lành cho ta, nên Ngài phải được kính yêu cách đặc biệt, ''trên hết mọi sự”. Lịch sự đối với Thiên Chúa mỗi sáng thức dậy: dâng ngày, cám ơn… Cả khi ăn, uống, ngủ, nghĩ cũng luôn tưởng nhớ Chúa.

Đối với Cha mẹ: đó là những người có công sinh thành dưỡng dục ta nên lịch sự với ông bà cha me là sự thảo hiếu, tôn kính và vâng lời, đặc biệt là giúp đỡ và cầu nguyện.

Đối với người phụ trách: những người thay cha mẹ để dạy dỗ, huấn luyện, hướng dẫn ta trong cuộc sống, trong ơn gọi. Lịch sự qua tâm tình tôn kính, yêu thương, bộc lộ qua thái độ lễ độ cởi mở, chân thành. Câu châm ngôn: “Hãy quên nhưng việc tốt ta làm, nhưng đừng quên những ân huệ ta nhận được”.

1. Đối với mọi người: Dù già trẻ, nam nữ… ta cũng tôn trọng, đối xử lịch sự, yêu mến họ như anh em, giúp đỡ và làm gương tốt cho mọi người.

2. Đối với chính mình: Vì tập lịch sự với bản thân, ta sẽ có thói quen cư xử lịch sự với người khác. Ai bất nhã với chính mình, cũng có thói vô lễ với tha nhân. Lịch sự với mình khi sống sạch sẽ, tề chỉnh, nết na.

III. Câu nói trên môi miệng người lịch sự.

1. Kính chào: Hàng ngày, chúng ta gặp gỡ tiếp xúc với bao hạng người. Gặp nhau, câu nói trước tiên chính là lời chào chân thành, kèm theo sự cúi đầu, bởi theo nụ cười thân thiện.

2. Cám ơn: Là tiếng nói để bày tỏ lòng biết ơn với người làm ơn cho ta, như khi nhận được món quà, khi được giúp đỡ, được chỉ dẫn... Tiếng cám ơn làm mát lòng người làm ơn, nhờ đó họ giúp đỡ cách tận tình và sẽ giúp đỡ thêm nữa. Khi được cám ơn, ta cần có lời đáp trả với tùy người: “Dạ không dám, không có chi, đó là bổn phận của con”.

3. Xin lỗi: Là lời nói để nhìn phận sự phiền, xúc phạm, va chạm của ta đối với người khác. Nhờ lời xin lỗi, ta sẽ hóa giải tính nóng nảy, sự đau buồn của người khác. Khi được xin lỗi: “Không sao đâu”, chứ đừng cự nự, cằn nhằn.

4. Làm ơn, xin phép, xin vui lòng: Là những câu nói để mở đầu cho một yêu cầu, một lời đề nghị giúp đỡ. Nhờ câu nói này, người khác sẽ vui lòng, nhín thời giờ, bớt công việc để chiều theo ý muốn của ta.



Bài 2

TÁC PHONG LỊCH SỰ

I. Cử chỉ và điệu bộ (Dáng Điệu).

Nhìn cử chỉ, điệu bộ một người, ta đoán được nền giáo dục, văn hoá người đó hấp thụ, mức độ tự chủ và thái độ nội tâm họ đang có. Cử chỉ toàn thân nên tự nhiên, thẳng thắn, không buông thả, lệch lạc.

1. Tư thế Đi, Đứng, Ngồi.

a. Cách đi:

Rất quan trọng, vì nó biểu lộ tính tình và tâm trạng của ta:

- Đi chậm, kéo lê dép: dấu của uể oải, lè phè, bệnh hoạn.

- Đi hấp tấp, đi rón rén, đi đánh vun tay: dấu của nhẹ dạ, lóc chóc.

- Đi cứng nhắc, đi hai hàng, nghênh mặt: dấu của kiêu căng, tự phụ.

- Đi nghiêm trang, bàn chân thẳng: dấu của trang nhã, đạo đức.

- Đi ngang qua chỗ người đang đứng, cần cúi đầu hoặc xin phép.

b. Cách đứng:

Là tư thế không di chuyển, cần giữ toàn thân cho thẳng.

- Đừng đứng một chân, dang rộng chân, tréo chân, đứng thọt tay vào túi...

- Đừng dựa vào tường, cây cối. Đừng đứng án mặt người khác.

- Dáng đứng đẹp, vững chắc là chắp tay phía trước, chân thẳng.

- Nếu đứng lâu, có thể đặt chân này sau chân kia một chút để dồn lực vào chân sau, tựa tay nhẹ vào bàn, vịn lan can, xách tay.

c. Cách ngồi:

- Khi ngồi nói chuyện, tư thế nên thoải mái, giữ đầu ngay thẳng bàn tay để trên đầu gối hay mặt bàn, 2 đầu gối không quá rộng.

- Đừng đặt tay dưới gầm bàn hay kẹp giữa 2 đầu gối hoặc chóng chỏ.

- Đừng ngồi vắt chân, ưỡn ngực, run đùi hay gác chán lên bàn ghế.

- Trước khi ngồi, phải xin phép, hoặc đợi chủ mời mới ngồi.

- Nên đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng, tránh gây tiếng động.

- Khi lên xe ôtô con, ta ngồi xuống trước, rồi xoay người rút chân lên.

2. Gương mặt.

a. Nét mặt: ''Trông mặt mà bắt hình dong''

- Đó là nơi người ta dễ nhận thấy đạo đức, tình cảm và nội tâm của ta: Cần tạo nét dễ nhìn, tự tin, duyên dáng, khiêm tốn trên nét mặt.

- Cần làm chủ gương mặt, đừng bộc lộ quá vui, quá buồn, quá sợ.

- Tập tỏ ra dễ thương, trang nhã sê gây thiện cảm, tin tưởng.

- Tiếp xúc với người lớn : nét mặt thành kính, khiêm tốn; Với người trang lứa: nét mặt hoà nhã, duyên dáng lịch thiệp. Với người nhỏ: nét mặt tình cảm, tận tình, độ lượng.

b. Ánh mắt: Được gọi là cửa sổ tâm hồn; cần ánh mắt nhẹ nhàng, thanh thản, cái nhìn chân thành, quan tâm.

- Đừng liếc ngang liếc dọc, đá lông nheo: đa tình.

- Đừng nhìn chằm chặp: soi mói.

- Đừng đảo mắt lia lịa, chớp mắt: biểu lộ gian trá.

- Đừng trợn mắt nhướng mày: Cau có.

- Đừng ngó bâng quơ, hờ hững: lãnh đạm.

Mắt nhìn lên: ngưỡng mộ; nhìn xuống: thương hại, coi thường.

Mắt liếc ngang nhìn trộm, bẽn lẽn: nhút nhát, quyến rũ.

c. Môi, miệng mũi:

- Nên khép môi. Tập thở bằng mũi, vì hơi thở có mùi...

- Tránh gãy tiếng động khi hít, hỉ mũi, ợ chua, hắt-xì, huýt sáo.

- Đừng ngoáy mũi, cạy răng, bứt râu ... khi giao tiếp.

d. Giọng nói:

- Lời nói luôn rõ ràng, minh bạch, vừa đủ nghe.

- Đừng nói quá to hay nói lí nhí, ấm ớ.

- Dùng từ: giản dị, dễ hiểu. Đừng tỏ ra học thức khi dùng từ ngoại quốc, triết lý... cho người bình dân.

- Tránh dùng từ thô kệch, bất nhã, tiếng lóng...

II. Về trang phục.

1. Y phục:

- Dùng để che thân, và còn góp phần tạo nên nhân cách biểu lộ chức vị, nghề nghiệp của một người.

- Nguyên tắc căn bản: Sạch sẽ, gọn gàng, phù hợp chức nghiệp, hợp thời, hợp cảnh, hợp vóc dáng màu da.

- Đừng mặc đồ quá lòe loẹt, hở hang, quá sang trọng.

- Mặc y phục đúng nơi, đúng việc, cách kỹ lưỡng (cài nút, dây kéo...).

2. Giày, dép, guốc: Vừa vặn, cần phân loại sử dựng cho từng dịp: Lễ bội, thể thao, dạo chơi, phòng ngủ, trong thà... Mang giày dép phù hợp với y phục, hoàn cảnh.

3. Đồ trang sức: cần hợp thời, hợp mức độ kinh tế và bậc sống mình.

4. Dùng dầu thơm: Phù hợp mùi, mùa, nơi chốn và bậc sống.

5. Việc trang điểm: Để tạo gương mặt tươi sáng hơn, cần nghệ thuật.



Bài 3.

LỊCH SỰ TRONG GIAO TIẾP

I. Gặp gỡ thăm viếng.

1. Chào hỏi.

- Chào hỏi là biểu lộ sự kính trọng, lịch sự, là phương tiện để gây thiện cảm. Lời chào hỏi nên kèm theo nụ cười niềm nỡ, thân thiện.

- Người dưới không chào người trên là thiếu lễ độ, người trên không đáp lời chào bị tiếng là hách dịch, khinh người.

- Cách chào thông thường (VN) là cúi đầu và nói: ''Kính chào Đức Cha, Chào ông, chào thầy, chào bác sĩ…” Nếu đang đội nón, ngậm thuốc lá thì bỏ ra.

- Việc bắt tay: Đợi người trên đưa tay trước, mới được bắt. Bắt tay với sự niềm nỡ, thân mật, đừng mềm nhũn, cũng đừng xiết quá chặt, hoặc lúc lắc quá mức... Khi mang bao tay hoặc tay dơ bẩn, thì xin lỗi.

2. Giới thiệu.

- Mục đích giới thiệu là để quen biết nhau, biết rõ hơn.

- Cách giới thiệu: Giới thiệu người nhỏ cho người lớn, người chức cao trước người chức nhỏ. Lời giới thiệu cần đầy đủ và tên, chức nghiệp, (nơi ở và nơi làm…)

Vd: Thưa Cha, đây là anh X, chị Y bạn lớp của con.

- Giới thiệu bất kỳ ở đâu, lúc nào, nếu thấy cần cho sự quen biết và làm việc. Chỉ nên nói cách ngắn gọn về điều ta biết thôi, đừng giới thiệu quá mức!

3. Thăm viếng.

- Khi nào? Khi vừa mới đến nơi, khi đổi nơi, ta cần thăm viếng người chủ, người lớn nơi đó. Khi hay tin vui hoặc buồn đau bệnh, dịp lễ Bổn mạng, Sinh nhật ...

- Cách thức thăm: Gõ cửa (2 tiếng), hoặc bấm chuông, chờ mời vào.

- Khi vào nhà, vào phòng riêng, chào chủ nhà và các thành viên gia đình. Khi đó mời ngồi, ta cám ơn rồi ngồi nơi được chỉ định.

- Đừng kéo dài câu chuyện, tìm cách rút lui khi chủ còn luyến tiếc. Cuộc thăm viếng thông thường không quá 15'. Nên lưu ý xem thời giờ, công việc của chủ nhà để cáo lui sớm.

4. Tiếp khách thăm.

- Phải tỏ ra vui vẻ, hiếu khách, ra đón tiếp niềm nở, rộng rãi, nhất là đối với anh chị em tu sĩ. Nét mặt, cử chỉ, lời nói hoàn toàn cho khách. Nhẫn nhục nghe chuyện, đừng bộc lộ bực dọc, nhăn nhó.

- Đang tiếp chuyện, nếu có việc khẩn cấp, hoặc có khách vào ta xin cảm phiền, xin vui lòng đợi chút... Khi họ ra vê cần đưa tin với đôi lời mời, luyến tiếc...

- Với khách tạm trú: Tạo sự thoải mái “như nhà của họ”. Cần đón tiếp niềm nở, dọn phòng riêng, dụng cụ cho sạch sẽ, rồi tổ chức giải trí, cơm nước chu đáo. Nên giữ bầu khí vui vẽ, quan tâm đến nhu cầu của khách.

- Thời gian ở trọ: Châm ngôn người khách là: “Nhập gia tùy tục". Biết quí trọng những gì của chủ (đồ dùng, thú vật, điện nước...). Biết khen tặng những cái hay đẹp, tài nấu nướng, cách trang trí trả thù lao cho người làm công… Đừng tò mò, lục lạo đồ đạc, thư từ của chủ. Về nhà, nên viết thư cám ơn, có thể gởi quà tặng.

II. Nghệ Thuật Nói Chuyện.

1. Đó là nghệ thuật “biết nghe”.

“Thiên Chúa ban cho ta có hai cái tai và một cái lưỡi để đào luyện ta nên Nói ít mà lại Nghe nhiều” (Chiavarino).

Có người thích nói, nói lung tung ''nói dai như đỉa đói”, đó là cách gây ác cảm thành công nhất! Còn nghe thuật Nói, chính là Biết Nghe. Nghe không chỉ bằng đôi tai, mà còn nghe bằng mắt, bằng miệng, bằng nét mặt và toàn thân nữa. Đó chính là bí quyết ''gây thiện cảm''.

- Nghe bằng đôi tai: Dĩ nhiên, lời nói được nhận biết qua đôi tai. Nghe bằng tai những thông tin, đôi khi có những lời chỉ trích, nói xấu, phán đoán bừa bãi, tục tĩu... Hãy cười cười rồi bỏ qua, xem như “nước đổ đầu vịt'' và gợi ý sang chuyện khác bổ ích hơn.

- Nghe bằng mắt: Khi tiếp chuyện với ai, hãy nhìn vào mắt họ, như muốn thu hút hết điều họ nói cả những điều mà họ diễn tả chưa đủ bằng lời. Họ muốn thế, họ muốn bạn hiểu hết ý họ, nên bạn hãy dồn nhãn lực vào họ là cách nghe bằng mắt.

- Nghe bằng nét mặt: Đừng để “mặt chai như đá”, nhưng nên thay đổi nét mặt theo tình tiết câu chuyện, để tỏ ra thông cảm với họ.

- Nghe bằng điệu bộ: qua việc gật đầu đồng ý; chống tay, nhăn trán để tỏ vẻ suy tư; hoặc tươi nở nụ cười với niềm vui mà họ kể. Nghe bằng miệng khi lên tiếng nói: “Vâng, dạ, phải đó, thật à!...” tuỳ theo ý nghĩa câu chuyện.

- Nghe với tinh thần học hỏi: Khi tiếp chuyện với ai, ta nên rút ra bài học ''hay-dở''. Trên đời, ai lại không có hay dở. Hãy loại bỏ điều tiêu cực để thu nhận điều tích cực và tích luỹ thành kinh nghiệm sống.

2. Biết nói.

- Thận trọng: Nếu họ muốn ta chia sẻ, góp ý, ta hãy thận trọng suy nghĩ và nhận định trước tiên về mặt tích cực điều họ đã nói và cần dè dặt mặt tiêu cực. Hãy thận trọng góp ý bằng cách nói khiêm tốn và nghiêm túc, nhất là bày tỏ sự cảm thông chân thành đối với họ.

- Nghiêm túc là khiêm tốn: Đừng nói những lời, những chuyện thiếu thanh nhã, lời hai ý, nhất là và vấn đề phái tính. Lời nói bộc lộ nội tâm của bạn, vì “lòng đầy miệng mới nói ra”: Nói khiêm tốn là không nên nói về mình nhiều quá, lúc nào cũng phô trương ‘cái tôi’ thế này thế nọ, nhưng nên nhìn nhận ‘tôi còn thiếu sót’...

- Bác ái: Nói để xây dựng tình đoàn kết, yêu thương và giúp nhau thăng tiến hơn. Tránh những lời chua cay, châm biếm, mỉa mai, nói hành nói xấu. Nên nhớ: “Ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình”. Khi nói xấu ai về một vấn để gì, đó là dấu ta đã có khuynh hướng xấu đó rồi! Còn nói tốt về một người, đó là cách giúp ta muốn sống tốt, muốn khích lệ người đó tốt hơn mà cũng là cách để người khác đánh giá ta tốt về mặt đó.

III. Lịch Sự Trong Bữa Ăn.

Bàn ăn là nơi thể hiện nhân cách và giáo dục nhiều nhất, tục ngữ có câu: “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” nhằm lưu ý ta về việc học cách ăn uống và tiếp đãi khách.

Cách ăn uống:

- khi đến giờ, chủ nhà mời ăn, chỉ chỗ và mời ngồi, ta hãy vào ngồi cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Kế tiếp, (kinh nguyện) cách cầm đũa, chén, hoặc muỗng nĩa, dao... khăn ăn.

- Ăn uống cách nhẹ nhàng từ tốn. Lấy thức ăn do chủ trao hoặc chọn món ăn gần nhất. Đừng xốc lên, lựa chọn miếng ăn... Lưu ý sử dụng các muỗng cho từng món ăn.

- Khi uống nước nóng, không lên thổi: Tay mặt cầm tách, tay trái cầm dĩa lót hứng nước nhiễu. Uống nhẹ nhàng từng gụm.

- Khi chủ rót rượu, trà, nên lưu ý xin vừa đủ và cám ơn.

- Không nói chuyện khi thức ăn còn trên miệng.

- Học cách ăn dĩa và cách cầm muỗng, nĩa, dao.

2. Cách đãi tiệc.

- Nguyên tắc chung: Mời và đến đúng giờ, để khai mạc bữa tiệc

a. Cách đặt bàn, xếp ghế:

- Tuỳ loại bàn tròn hay chữ nhật. Kiểu VN hay Âu Mỹ, mà ta có cách đặt bàn khác nhau.

- Nguyên tắc chung: Trải khăn sạch, ghế ngồi cách nhau chừng 50 phân, xếp sẵn chén, dĩa, ly, muỗng nĩa dao hay đũa, khăn ăn... cho từng người. Đừng quên ống tăm sạch sẽ có thể đặt sẵn thực đơn (menu).

- Xếp chỗ ngồi: Nếu khách không lớn hơn chủ nhà thì chủ nhà ngồi chế số 1, kế đến là ghế đối diện, hoặc bên tả hữu của người quan trọng. Người thân trong nhà phải nhường chỗ ngồi cho khách.

- Cách sắp xếp bàn ghế (loại vuông tròn) và vị trí quan trọng trong đám tiệc.

b. Cách tiếp bàn:

- Nguyên tắc chung: Nhạy bén, gọn sạch khi trót rượu nước khi đem vào hoặc lấy thức ăn ra, tuỳ theo nhu cầu bàn ăn.

- Đừng tự động chia thức ăn, uống; cần thêm, phải xin phép người dùng.

- Học cách rót rượu, trà, cách chia thức ăn, súp… sử dụng bếp ga.

- Ăn xong, mời dùng món tráng miệng, dùng rượu thơm hoặc cà phê, trà.



Bài 4

THƯ TỪ, ĐIỆN THOẠI, TẶNG QUÀ

I. Thư Từ.

1. Thư từ: Là phương tiện giúp ta bày tỏ tư tưởng, tình cảm và gởi thông tin liên lạc với người xa cách.

- Có nhiều loại thư: gia đình, ngoại giao, nghề nghiệp, tình cảm, báo tử, tuỳ thể loại mà ta có lối viết khác nhau. Thông thường lối văn viết thư cần gọn gàng, rõ ràng từ ngữ lịch sự để người đọc hài lòng.

- Lưu ý: ''lời nói bay đi, chữ viết còn mãi”, nên đừng viết những gì mà sau này đọc lại ta phải… xấu hổ !

2. Viết thư:

- Nội dung thư: Ghi địa chỉ, ngày tháng năm.

- Mở đầu: Lời chào chúc, thăm hỏi cách vấn tắt.

- Kế đến, diễn tả những điều mình muốn: cám ơn, chúc mừng van xin, ước nguyện.

- Kết thư: Bày tỏ lòng yêu thương kính trọng biết ơn.

- Nếu là người Công giáo, ở phần kết thư ta có thể bày tỏ tình thân ái trong Chúa Kitô và hiệp thông cầu nguyện.

- Nếu đã viết xong còn muốn viết bổ túc, thì để TB (Tái Bút) hoặc P.S (Post scriptum).

- Hình thức : Viết trên giấy sạch, viết rõ, không bôi xóa.

- Không nên viết kín hết mặt giấy, cần chừa lề.

- Ký tên và ghi tên họ, (kèm địa chỉ).

- Cách đề bao thư: Tên, chức vị, địa chỉ.

3. Cần lưu ý:

Người lịch sự thường ứng xử theo nguyên tắc: Nhận thư phải trả lời thư, càng sớm càng tốt.

- Về cách gởi thư tay, công thức ghi ngoài bao thư.

- Tuyệt đối không bao giờ tò mò xem thư người khác, nếu họ chưa đồng ý.

II. Danh Thiếp (Carte visite).

- Danh thiếp là những thiệp nhỏ, ghi họ tên, chức vị, địa chỉ người dùng.

- Công dụng: Để tặng địa chỉ, để kèm theo khi tặng quà, để trình danh tánh khi đến nhà lạ, để báo tin đến thăm trong lúc chủ vắng nhà (nhớ bẻ góc). Khi sử dụng trong dịp là mừng chúc, lễ tang, có thể viết trên danh thiếp và dòng chữ…

III. Điện Thoại.

Ngày nay, điện thoại là phương tiện giao tiếp thông dụng, ta cần biết sử dụng lịch sự.

- Mục đích: Điện thoại là để thông tin, liên lạc, để nói những chuyện khẩn cấp, quan trọng, đừng nên sử dụng để nói chuyện phù phiếm.

- Cần lựa giờ thuận tiện để liên lạc. Tránh những câu xã giao dài dòng nói vừa đủ để thông tin và tiết kiệm thời giờ (tiền bạc).

- Cách sử dụng: Ta cần học cách cầm, cách nói qua điện thoại. Nên biết những câu nói khi gọi đi, khi nhận điện và những câu kết thúc cuộc điện đàm.

a. Khi gọi:

Cần chuẩn bị nội dung và số máy : biết mình sắp nói gì, sắp nói với ai?

- Khi bắt đấu nói: Hãy xưng danh tánh và ý chính cuộc nói chuyện cách lịch sự.

- Nếu gọi lầm số, có thể hỏi lại: “Xin lỗi, có phải máy số… .không?”. Rồi câu ''Rất tiếc”. “Tôi nhầm số, xin lỗi''.

- Đừng la hét, quạu quọ, ra cử điệu lung tung khi điện đàm.

b. Khi nhận điện thoại:

- Nếu là nhà riêng, khi nhấc máy, chỉ cần nói “Alô”, hoặc “Xin chào”. Nếu là người giúp việc, hoặc khác trọ, thì nói: “Alô, đây là nhà của Ông…”.

- Nếu gặp khách lạ, người muốn nhắn tin, thì hỏi: “Xin vui lòng cho biết quí danh”.

- Tôi đang hân hạnh tiếp chuyện với ai? Tôi có thể chuyển lời giúp ông được không?

- Nếu là Nhà Chung: “Nhà thờ… xin nghe”, hoặc “Dòng… xin kính chào quí khách”.

IV. Tặng quà:

1. Mục đích (ý hướng) Tặng quà.

- Để tỏ lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến.

- Để thông phần niềm vui và muốn là vui lòng người.

- Để chúc mừng, lưu niệm, bày tỏ tình cảm, luyến thương.

- Mục đích xấu nhất: Đó là lợi dụng, mua chuộc tình cảm, hối lộ.

2. Ý nghĩa và giá trị quà tặng:

Tùy dịp, tùy loại quà, tùy ý hướng mà quà tặng mang những ý nghĩa và giá trị khác nhau, nhưng tựu trung 3 giá trị:

- Giá trị vật chất: Món quà được tính theo giá bán thị trường.

- Giá trị tinh thần: Biểu hiện tình thương sự chọn lựa và trao ban.

- Giá trị thiêng liêng: Món quà có mang biểu tượng và ước nguyện.

3. Cách tặng quà: “Cách tặng còn quí hơn quà tặng”

- Trước khi chọn mua quà và tặng quà, nên suy nghĩ: Tôi muốn tặng cho ai? Vào dịp nào? Họ thích gì? Tôi có ước nguyện gì qua món quà?

- Món quà tình nghĩa không cần đắt tiền, quan trọng là cách thể hiện tình cảm qua cách chọn quà, gói quà và trao tặng quà với tất cả sự quan tâm, trìu mến của người tặng đối với người được tặng.

- Cần chọn đúng quà, đúng nghĩa, nếu trái ngược, sẽ phản tác dụng!

- Lưu ý việc tặng hình (cho người khác phái)

4. Cách nhận quà:

- Người nhận quà có bổn phận biết ơn: nên bộc lộ sự vui mừng và cảm nhận giá trị, tìm thấy ý nghĩa của món quà.

- Nên bày tỏ đôi lời cảm ơn, hoặc bằng lời, hoặc bằng thơ.

- Có thể tìm dịp để đáp trả: “Đã nhận nhưng không, hãy cho nhưng không”.

V. Tặng hoa:

- Tặng hoa đã trở thành tập tục quốc tế, mang ý nghĩa và có giá trị quan trọng.

- Tặng hoa cũng là việc thể hiện tình yêu, lòng kính trọng, mộ mến đối với người được tặng, nhất là làm cho nghi lễ thêm long trọng.

* Nên biết: Ý nghĩa của từng loại hoa, sắc màu của hoa, số lượng hoa, cách bó hoa, lẳng hoa, dịp tặng nào phù hợp loại nào.

0 nhận xét:

Hướng Dẫn Comment

Các bạn vui lòng làm theo các bước sau:
1.Ở phần "Nhận xét với tư cách" bạn chọn phần "Tên/URL". .
2.Bạn nhập tên của mình vào và ở mục URL bạn nhập tên và ".com" (Ví dụ: Tên: Vidu, URL:vidu.com) Và click "Tiếp Tục" .
3.Và sau đó bạn chỉ cần nhận xét bài viết của mình và click "Đăng nhận xét"... .